Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển du lịch .
UBND tỉnh đã giao Sở văn hóa, Sở Thông tin và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Đắk Lắk để quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh của địa phương.
Được biết, hiện nay đã có nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở những vùng đất có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu, đây được xem như một “cam kết” với du khách khi họ được các doanh nghiệp đưa đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm tại địa phương.
Có thể nói, bộ nhận diện thương hiệu du lịch là thông điệp cốt lõi, hàm chứa đầy đủ nhất các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và cảnh quan thiên nhiên của mỗi vùng đất hình thành và kiến tạo nên. Xây dựng được thông điệp ấy chính là tinh lọc ra những cảm xúc khác biệt, đẹp đẽ nhất giúp du khách tận hưởng và thưởng lãm thông qua sản phẩm du lịch cụ thể được tổ chức, thực hiện tại mỗi điểm đến.
Đây là một điểm đáng chú ý đối với tỉnh này, bởi đến thời điểm này, ngành du lịch của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có biểu trưng và khẩu hiệu chính thức để gây sự chú ý cho du khách, qua đây giúp du khách dễ dàng nhận diện được thương hiệu của du lịch Đắk Lắk.
Bên cạnh đó cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao hơn nữa năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch thông qua việc cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị về xúc tiến quảng bá du lịch, maketing du lịch trong và ngoài nước, để có thể thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nhận định, mỗi đơn vị và mỗi điểm đến có cách xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch khác nhau, tùy vào tính chất, đặc điểm của sản phẩm từng vùng. Tuy nhiên, nhìn chung thì mức độ nhận diện không cao, chưa hấp dẫn du khách do chưa đồng bộ, thống nhất về mặt đẳng cấp và chuyên nghiệp, vì vậy còn hạn chế trong việc ký kết hợp đồng với đối tác có nhu cầu đến với vùng đất này.
Vấn đề đặt ra cho tỉnh Đắk Lắk hiện nay là cần đầu tư, nghiên cứu, tham vấn từ nhiều cơ quan, đơn vị chức năng để sớm có bộ nhận diện thương hiệu cho ngành “công nghiệp không khói” này, góp phần hiện thực hóa lộ trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò động lực thúc đẩy cho cả vùng Tây Nguyên phát triển, trong đó du lịch được xác định là một trong ba trụ cột, cùng với năng lượng sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó sẽ thúc đẩy vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng này bứt phá mạnh mẽ theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.