Hiện nay, huyện Lắk được xem là một trong những trung tâm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk, trong công tác bảo tồn, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, huyện Lắk đã có nhiều kế hoạch và phương án để phát triển du lịch.
Huyện Lắk nổi tiếng với những địa điểm thác Krông Kmar, Buôn Jun và các khu di tích lịch sử như Hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar… Ngành “công nghiệp không khói” này đã mang lại những giá trị kinh tế lớn đối với sự phát triển của toàn huyện.
Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo huyện Lắk, dù mang nhiều ưu điểm cũng như mặt tốt của ngành du lịch, địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát huy lợi thế tự nhiên.
Lãnh đạo huyện Lắk còn cho biết, địa phương đã thực hiện khá nhiều chương trình để đưa hình ảnh du lịch huyện Lắk lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, trong một tầm nhìn xa, để giúp du lịch tại đây phát triển bền vững và ổn định thì cần sự đầu tư dài hạn. Hiện nay, ngành du lịch đã phối hợp với các ngành trong tỉnh để kêu gọi, thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bước đầu đã có những kết quả khả quan. Nhưng, nếu xét về cơ cấu hạ tầng tại huyện Lắk thì chưa có sự đồng bộ, còn nhiều mặt hạn chế.
Bên cạnh đó, đây là một huyện có nền kinh tế còn khó khăn, vẫn chủ yếu là hoạt động nông nghiệp nên chưa tích lũy được nhiều ngân sách cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch để cùng với lãnh đạo cấp trên phát triển du lịch tại địa phương.
Ngoài ra, huyện Lắk có địa hình trũng nên thường có sự thay đổi về khí hậu. Việc này ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động du lịch. Địa phương này đã có định hướng phát triển du lịch sinh thái từ lâu, tuy nhiên vẫn còn mang tính mùa vụ nên hiệu quả còn rất hạn chế.
Lãnh đạo huyện này còn cho biết thêm, việc phát triển du lịch tại huyện Lắk để bảo tồn văn hóa cũng song song với vấn đề tạo việc làm cho nguồn lao động tại địa phương đã được triển khai từ nhiều năm. Huyện đã và đang chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo lao động địa phương về để phục vụ du lịch tại địa phương ở các vị trí như lễ tân, nhân viên buồng phòng,…
Ngoài ra, việc bảo tồn du lịch tại huyện Lắk còn được thực hiện thông qua việc tái hiện, khôi phục lại các làng nghề truyền thống như làng thổ cẩm, làng gốm,… qua những động thái này cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân tại đây.
Hiện nay, huyện Lắk đã tiến hành quảng bá văn hóa, truyền thống, văn hóa ẩm thực,… Thông qua những chiến dịch quảng bá này, khách du lịch sẽ biết đến khu vực này với những đặc sản như chả cá thát lát, trứng vịt hai tròng, cơm lam, rượu cần.
Ngoài ra, địa phương đang có ý tưởng để khách du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng tại nhà dài của đồng bào dân tộc tại chỗ. Để thực hiện điều này, toàn huyện khuyến khích giữ lại cảnh quan, kiến trúc cũng như trang phục dân tộc tại đây nhằm tạo ra không gian văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc. Đồng thời, tại các điểm du lịch cộng đồng, thường xuyên duy trì từ 1 đến 2 đội văn nghệ để biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ hay nhạc cụ của dân tộc M’nông tại chỗ.
Qua đó, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng trong huyện và của toàn tỉnh để tiến hành rà soát lại tổng thể tình hình hoạt động du lịch tại địa phương nhằm thu hút đầu tư tại huyện này để tối đa tiềm năng du lịch. Song song với đó, huyện cũng đầu tư ngân sách để quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các điểm du lịch theo phương hướng đồng bộ. Đồng thời, đề cao các chính sách để bảo tồn các nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Theo đó, để phát triển du lịch nhanh chóng, những người đứng đầu huyện Lắk cần đẩy nhanh các thủ tục hành chính về xúc tiến, cải cách các chiến lược du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; kêu gọi toàn thể mọi người chung tay bảo vệ nét văn hóa của địa phương, bảo vệ môi trường góp phần vào phát triển du lịch của huyện nhà. Hy vọng trong tương lai không xa, huyện Lắk sẽ trở thành “cái nôi” của du lịch tỉnh Đắk Lắk theo đúng như mong muốn của người dân nơi đây./.