Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị bổ sung kinh phí (khoảng 386 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư của dự án Khu dùng chung, khu quân sự Cảng hàng không Phan Thiết để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đủ điều kiện.
Với phương án chuẩn bị quỹ đất mở rộng phục vụ xây dựng đường cất hạ cánh số 2 cho Cảng hàng không Phan Thiết là hết sức cần thiết, bởi sau thời gian khai thác sử dụng cùng với lưu lượng hành khách ngày càng tăng, đường cất hạ cánh sẽ phát sinh hư hỏng, xuống cấp. Khi đó, cảng hàng không phải tạm dừng khai thác để thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh… nên ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của sân bay cấp 4E.
Mặt khác, Cảng hàng không Phan Thiết có tính chất sử dụng là dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự, nếu chỉ khai thác với 1 đường cất hạ cánh cho cả hoạt động dân dụng lẫn quân sự thì rất khó đảm bảo được yêu cầu về an ninh, an toàn cũng như công tác quản lý, điều hành bay…
Được biết, hiện trạng sử dụng quỹ đất dự kiến mở rộng Cảng hàng không Phan Thiết chủ yếu là đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp (rừng sản xuất) không có nhà cửa, vật kiến trúc. Sau khi đủ điều kiện mở rộng, quỹ đất này được đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 3.050m, song song với đường cất hạ cánh đã được phê duyệt nhằm đáp ứng khai thác cho hầu hết các loại máy bay.
Theo đó, sân bay Phan Thiết được xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, ngoại ô thành phố Phan Thiết, là sân bay lưỡng dụng, có tổng diện tích 542ha. Vốn ban đầu dự kiến là 5.600 tỷ đồng (chưa tính phát sinh chi phí từ đường băng 4C lên 4E). Dự án sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng vào năm 2014.
Trong đó, Bộ Quốc phòng được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khu bay quân sự theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).