Theo tỉnh Đồng Nai, giá đất dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...
Việc điều tra, tính toán giá đất UBND tỉnh giao cho Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) thực hiện. Theo đó, tới đây trung tâm sẽ tiến hành điều tra, rà soát tại 170 xã, phường dựa trên giá đất chuyển nhượng, giá đất năm 2017, năm 2018 để tính toán xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn tới.
Được biết, từ ngày 15/4/2019, đơn giá xây dựng; điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 13/2019 của UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành.
Đây là cơ sở để lập, thẩm tra dự toán, thanh quyết toán các dự án, nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể theo các phương pháp so sánh trực tiếp; chiết trừ thu nhập và thặng dư theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, tư vấn xác định giá đất...
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2019 quy định hệ số giá đất mới cho các khu vực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá đất nhiều khu vực tăng từ 1,2 - 3 lần so với trước đây. Trong đó, tăng nhiều nhất là hệ số giá đất nông nghiệp các khu vực: TP.Biên Hòa, huyện Long Thành (tăng từ 2,5 - 3 lần); các xã thuộc huyện Nhơn Trạch (tăng 2,5 lần) và TX.Long Khánh (tăng từ 2 - 2,5 lần)...
Giá đất phi nông nghiệp tại đô thị tăng từ 1,4 - 2,5 lần. Nơi có hệ số giá đất tăng cao là tại một số tuyến đường của TP.Biên Hòa, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Đất phi nông nghiệp tại nông thôn tăng cao nhất là một số khu vực thuộc huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, TX.Long Khánh với hệ số tăng gấp 2,2 - 2,6 lần./.