Dự án "ma" Nam Sài Gòn Riverside
Theo đó, dự án Nam Sài Gòn Riverside thực chất là khu nhà ở Lê Văn Lương (thuộc địa phận xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM), được Công ty Địa ốc Đại Việt "vẽ" ra và đặt tên Nam Sài Gòn Riverside.
Theo giới thiệu của Địa ốc Đại Việt, dự án đất nền này có quy mô gần 2,6ha, với 233 nền, diện tích từ 40 – 90m2 và khu công viên 2.100 m2 ven sông. Có 3 mẫu nhà, trong đó mẫu 80m2 được thiết kế gồm một tầng trệt, một lầu bố trí 3 phòng ngủ, 2 WC và khoảng sân vườn xanh phía trước rộng hơn 10m2.
Cũng theo giới thiệu, dự án này do cá nhân ông Mai Vũ Hồng hợp tác cùng Công ty Đại Việt làm chủ đầu tư. Khách hàng đã bỏ tiền ra mua với giá từ 500 – 900 triệu đồng/nền, theo tiến độ thanh toán, ngay khi ký hợp đồng, khách hàng phải đóng 50 triệu đồng và thanh toán theo tiến độ tới 95% giá trị đất nền. Phần còn lại, khi nào bàn giao giấy tờ sở hữu đất thì thanh toán tiếp.
Có nhiều khách hàng mua đất tại dự án Nam Sài Gòn Riverside cho biết, họ đã thanh toán hơn 95% số tiền mua đất nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cay đắng hơn là có nhiều trường hợp còn chưa được giao đất hoặc được giao đất mà không thể xây dựng. Vì vậy, việc không nhận được đất xây nhà khiến nhiều người “chôn cả gia tài” vào dự án này.
Đáng nói là tình trạng lửng lơ của dự án này đang nảy sinh rất nhiều vấn đề. Các “cò” đất ở đây luôn cam kết “bao” xây dựng tự do cho khách hàng mà không cần phải theo quy hoạch, “bao” lo các loại giấy tờ và đặc biệt là “xây dựng nhà xong sẽ bao luôn hoàn công, ra sổ đỏ trong 9 tháng”.
Đáng nói hơn, những người hiện đang sinh sống tại dự án này phát hiện dự án đã bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. Tại dự án, còn có nhiều lô đất được giới thiệu để bán đi bán lại, người dân nơi đây cảnh giác bằng cách là cắm biển báo với dòng chữ “đất có chủ”, nhằm tránh chủ đầu tư lừa đảo bán tiếp mảnh đất đó cho người khác.
Qua tìm hiểu, những khách hàng khi mua đất nền tại dự án sẽ ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với một cá nhân tên Nguyễn Văn Khải, còn đại diện Công ty Đại Việt chỉ là bên làm chứng cho những hợp đồng chuyển nhượng đó. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu là khách hàng phải ký hợp đồng với ông Khải, nhưng phải thanh toán bằng phương thức bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Công ty Đại Việt (bên làm chứng).
Ngoài ra, theo tìm hiểu và theo giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cấp cho Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Việt, được biết, ông Nguyễn Văn Khải giữ chức vụ là Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này.
Hàng loạt khách hàng “sập bẫy”
Sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, phóng viên đã trực tiếp đến dự án để “thực mục sở thị”. Khi bước chân vào cổng khu dự án, “đập” vào mắt phóng viên là những băng rôn màu đỏ “nổi bật” ghi những dòng chữ có nội dung là cầu cứu chính quyền vào cuộc và tố cáo chủ đầu tư lừa đảo.
Theo ông H.B.D, người mua lô đất D16 tại dự án cho biết, gia đình anh mua nền và xây nhà sinh sống cách đây 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Chúng tôi sống trên đất mình đã bỏ tiền ra mua, mà cứ như ở nhờ trên đất nhà người ta vậy, khi nào cũng lo lắng. Đôi khi mình cần tiền làm việc này, việc kia của chẳng có gì mà cầm cố ngân hàng”, anh D. cho hay.
Còn theo anh N.H.Đ, người mua thửa đất 347, gia đình anh cũng thuộc dang may mắn vì được cấp giấy phép xây dựng để làm nhà. Tuy nhiên, vì không có “sổ đỏ” nên gia đình anh không được đăng ký hộ khẩu tại địa phương, cả gia đình đã sinh sống tại đây 3 - 4 năm mà vẫn phải đăng ký tạm trú, do đó gia đình anh không được hưởng những quyền lợi, chính sách của địa phương, điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình anh. Cũng vì lý do này mà mỗi tháng gia đình anh Đ. phải trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh.
Bên cạnh đó, anh Đ. còn rất bức xúc vì chủ đầu tư chây ì, đến thời điểm này thì không thể liên được với phía chủ đầu tư. Khi nhờ chính quyền địa phương can thiệp thì họ cũng chỉ cho biết sẽ mời chủ đầu tư lên làm việc, nhưng chờ mãi vẫn không thấy giải quyết.
Những khách hàng đã mua đất tại dự án còn cho biết, chủ đầu tư bắt họ nộp thêm 2 triệu đồng/m2 để lấy sổ từ ngân hàng ra. Trong trường hợp lấy được sổ ra thì chủ đầu tư sẽ sang tên mỗi thửa mấy trăm mét vuông (trung bình 7 thửa sẽ gộp chung thành 1 thửa).
Khốn khổ hơn, có nhiều khách hàng đã mua được nền mà không thể xin giấy phép xây dựng. Cụ thể như trường hợp của anh C.Đ.T, chú mua lô đất D17 tại dự án với giá 520 triệu đồng. Sau khi thanh toán tiền cho chủ đầu tư, anh T. được giao lô đất nói trên nhưng trớ trêu là khi làm giấy phép xây dựng, cơ quan chức năng không cấp phép và trả lời rằng phải chờ dự án hoàn tất thủ tục tách thửa.
Cũng có trường hợp bỏ tiền ra mua mà đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giao đất. Như trường hợp của anh P.K.N.V, mua lô đất B20 từ tháng 1/2013, chủ đầu tư hứa hện bốn tháng sau sẽ giao đất, nhưng đến nay, anh vẫn chưa được biết thửa đất của mình ở đâu vì chủ đầu tư chưa san lấp mặt bằng.
Bởi vậy, nhiều khách hàng tuy đã mua đất nhưng vẫn phải đi ở nhà thuê, có những người có điều kiện kinh tế khó khăn mà họ đã dựng tạm túp lều, trại hoặc làm nhà tạm bợ để ở vì không xin được giấy phép xây dựng.
Ngang trái hơn, có nhiều chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. Như trường hợp của chị L.T.M.T là chủ sở hữu lô đất C20 cho biết, khoảng cuối năm 2017, có người thông báo lô đất chị mua đã bị mang đi thế chấp ngân hàng.
Trong thời gian tới, chủ đầu tư không có khả năng trả, ngân hàng phát mại, chị phải giao lại đất cho ngân hàng. Sau đó, chị có đến gặp chủ đầu tư thì họ chối đất không thế chấp. Chỉ là dự án đang làm sai một số vấn đề quy hoạch, đang chờ xử phạt xong sẽ giao đất. Chị T. lo lắng cho “số phận” thửa đất của mình không biết sẽ đi về đâu!
Theo các khách hàng, lần gần nhất Công ty Đại Việt tổ chức đối thoại với họ là vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất hướng giải quyết đối với người mua đất chưa được giao đất, giao đất nhưng chưa có sổ và giao đất nhưng chưa xin được giấy phép xây dựng.
Trước diễn biến sự việc, một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết, đây không phải là dự án bất động sản mà là đất phân lô của người dân, Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Việt mua gom lại rồi bán ra kiếm chênh lệch. Chủ đất chưa hoàn thành hạ tầng nên huyện chưa nghiệm thu hạ tầng, chưa thể chuyển mục đích được. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND huyện còn yêu cầu Chi nhánh Văn phòng Đăng ký sử dụng đất địa phương cập nhật toàn bộ những lô đất chủ đầu tư đã bán. Điều này nhằm ngăn chặn việc bán 1 lô đất cho nhiều người.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hướng xử lý hiện nay là chủ đất phải hoàn tất đầu tư hạ tầng để UBND huyện nghiệm thu và giải quyết hồ sơ tách thửa, cấp sổ đỏ cho những trường hợp mua bán hợp pháp.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.