Nếu ai đó nói Hội An thường quá, Hội An chỉ có xe đạp và Tây, Hội An chật chội và cũ rích... thì chắc hẳn họ chỉ là những lữ khách chợt đến rồi chợt đi, chưa từng một lần sống với cổ thị.
Đi qua bao thăng trầm của thời gian, Hội An dường như luôn mang một chút gì đó hoài niệm. Những căn nhà cổ kính, ngõ nhỏ quanh co, đèn lồng đủ sắc... tất cả quện thành một thành phố đầy thi vị. Nếu muốn hiểu vì sao nơi này có thể gieo vào lòng du khách biết bao thương nhớ, có lẽ, bạn phải đi và ngắm nhìn thành phố chậm hơn.
Bình minh ở phố cổ Hội An
Nếu muốn thấy thế nào là một Hội An đơn giản và mộc mạc, hãy thức dậy trước ánh bình minh. Khi ấy, thành phố thật tĩnh lặng, thời gian như ngừng trôi, không gian như đúc lại. Len lỏi vào từng góc phố, hàng rêu bám tường vẫn còn đẫm hơi sương. Thấp thoáng trên đường, vài bóng người đang tận hưởng bầu không khí trong lành và mát mẻ. Ngoài sông, lác đác người tiếp tục hành trình mưu sinh.
Thỉnh thoảng, vài khách du lịch đi dạo xung quanh với chiếc máy ảnh để bắt lại những khoảnh khắc đẹp. Ở góc phố, một số quán bắt đầu bày hàng. Khi những tia nắng đầu tiên rọi xuống mái nhà, xuyên qua những bức tường cũ kỹ và làm bừng lên sắc hồng từ những bông hoa giấy, một ngày của người dân ở cổ thị chính thức bắt đầu.
Khoảng 6h sáng, phố bắt đầu tấp nập hơn với gánh hàng rong và xe đạp. Vài người dân dậy sớm tập thể dục, đi chợ và đọc báo. Những nữ sinh thướt tha tà áo trắng đến trường. Trong nắng sớm, Hội An trong trẻo và bình yên tựa những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Bầu không khí dần thay đổi khi du khách thức giấc. Hội An tĩnh lặng dần trở về đúng hình ảnh của một khu du lịch với hàng quán và những bước chân. Vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa cắn miếng bánh mì giòn rụm là cách người Hội An đón ngày mới.
Càng về trưa, nắng càng vàng như ướp mật. Thành phố như khoác lên mình vẻ óng ả đặc trưng của miền Trung. Dòng sông Hoài uốn lượn, khoe vẻ lấp lánh bạc. Trong khi đó, Hội An vào ngày mưa mang lại mang vẻ huyền ảo, quyến rũ lạ thường. Khi ấy, thành phố bớt vẻ hội hè.
Dòng người không còn tấp nập. Khắp không gian chỉ còn tiếng mưa. Hội An trong mưa dường như đẹp hơn, lạ lùng và buồn khó tả. Nhưng mưa cũng không thể ngăn bước chân du khách. Bởi vậy, có lúc, cả khu phố ngập tràn những chiếc ô đầy màu sắc.
Hội An là một thành phố khác biệt
Kể về Hội An, một người từng nói với tôi rằng nơi này là độc nhất. Không có sự pha tạp, thành phố nguyên vẹn với những căn nhà cửa gỗ, mái ngói rêu phong, giàn hoa giấy đỏ, đèn lồng và hoa đăng. Hội An là phố nhưng rất bình lặng.
Tại đây, dòng chảy vô tình của thời gian như chẳng thể vùi lấp cái không khí cổ xưa của vài trăm năm trước. Ở Hội An, người ta dường như sống chậm. Sự dung dị của phố cổ khiến người ta phải say đắm, đi về quên lối. Thế nên, chẳng ít người mới một lần đến đã "phải lòng".
Réhahn, một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới, cho biết anh quyết định bán nhà bên Pháp và đưa cả gia đình về Hội An sinh sống sau chuyến đi vào năm 2007. "Cả ngày, tôi có thể tận hưởng sự tĩnh lặng của Hội An, ngắm những cơn gió nhẹ lay cánh hoa trong đầm sen trước nhà. Xung quanh vang vọng tiếng nước chảy khi hàng xóm tưới rau", anh chia sẻ.
Sau nhiều năm chu du hơn 30 quốc gia trên thế giới, anh hạnh phúc khi chuyển đến thành phố ven sông này. Réhahn cho hay mỗi khi ra khỏi nhà, hàng xóm lại mỉm cười và chào hỏi. Việt Nam cho nhiếp ảnh gia người Pháp tìm thấy tự do và hạnh phúc nhiều hơn bất kỳ đâu anh từng đến.
"Hội An ưu ái cho tôi chính xác những gì một người nghệ sĩ cần. Ở đây, người ta không quá hối hả, nhịp sống không quá tấp nập và không có nhiều điều khiến tôi mất tập trung", anh nói. Trong khi đó, về mặt nhiếp ảnh, Réhahn ví thành phố như một studio ngoài trời. "Những bức tường màu vàng, phong cách sống truyền thống và con người thân thiện... đây thực sự là thiên đường dành cho nhiếp ảnh gia", người đàn ông này nhấn mạnh.
Người Hội An bình dị
Ở đâu cũng vậy, con người chính là phần hồn của vùng đất. Không lịch thiệp như người miền Bắc và cũng chẳng hào sảng như người miền Nam nhưng người miền Trung hết mực chân thành và tử tế. Tiếng nói, cười, chào nhau nhẹ nhàng, từ tốn trong khung cảnh phố cổ thoáng rêu phong đã minh chứng cho tất cả.
Người Hội An chất phác, thân thiện và hiếu khách. Ai đến, họ cũng tiếp đón nồng hậu. Nếu may mắn, bạn có thể được họ mời đến nhà dùng cơm. Món ăn tiếp khách chỉ đơn sơ nhưng đôi khi ngon đến lạ. Càng tiếp xúc, bạn càng nhận ra người Hội An đáng yêu vô cùng. Họ chẳng tiếc cho du khách những lời khuyên: "Anh đừng mua nhiều thế. Mua nhiêu đây là đủ rồi" hoặc "Đồ của tiệm bên kia mới hơn tiệm của tôi. Hay anh thử sang đó xem".
Và cứ như vậy, những đêm trăng sáng nghe điệu hò trên sông Hoài; những buổi ban trưa lang thang từng ngõ nhỏ rồi dừng chân bên đường ăn bát tào phớ thơm mát; buổi chiều chập choạng ngồi bên sông, cảm nhận thời gian an nhiên buông nhẹ trên mí mắt... người Hội An đưa cổ thị găm sâu vào lòng các vị khách thập phương, để họ nhớ, họ thương và tìm về nơi đây với ước mong tìm lại hơi ấm và cảm nhận tâm hồn của chính mình.
Ai nợ Hội An một lời hẹn?
Trong tim nhiều người, Hội An là thành phố bước ra từ miền cổ tích. Biết bao cô gái từng tự nhủ với lòng rằng một ngày nào đó sẽ đưa người thương đến đây, cùng nhau ngồi trên thuyền gỗ nhỏ lặng lẽ trôi trên sông, thả hoa đăng và ngắm trăng soi đáy nước.
Dưới màn đêm, Hội An đậm sắc phồn hoa. Bên bờ, người qua kẻ lại, lễ hội dập dìu. Câu đối treo cao chờ người đến giải. Đèn lồng rực rỡ soi sáng khắp chốn. Nhà thơ Nguyễn Ngọc từng viết về Hội An: “Đêm phố cổ… đèn lồng rực rỡ, Khách thập phương… bỡ ngỡ người qua. Có cô má thắm, gót ngà Tần ngần đứng ngắm phố xa, đèn lồng”.
Đối với một số người, Hội An là tuổi trẻ. Khi thanh xuân còn tràn đầy, họ hào hứng nhìn ngắm khắp nơi, ăn những đặc sản ngon nhất, tề tựu trong những cuộc vui đầy ắp tiếng cười. Nhưng Hội An cũng là tuổi già, khi người ta lặng lẽ ngồi trên bậc thềm, tìm bạn đối ẩm, chơi cờ. Từ lứa đôi đến những kẻ độc hành, ai cũng có thể đến nơi này. Và dù bạn là ai, thành phố sẽ không bao giờ khiến bạn phải thất vọng.