Mục tiêu phấn đấu của thành phố đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng từ 80 - 90%, tương đương với các nước phát triển.
Để góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố từ nay đến năm 2030, UBND thành phố đã quyết định xây dựng "Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước".
Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM trong những năm qua đang có xu thế chậm lại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, kinh tế thành phố cũng như nền kinh tế cả nước đang vướng 3 điểm nghẽn: Thứ nhất là điểm nghẽn về thể chế pháp luật, tiếp đến là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, và thứ ba là điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng việc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác đang tăng tốc phát triển, hình thành thêm nhiều cực tăng trưởng mới, vừa mang tính cộng hưởng, vừa mang tính cạnh tranh.
"Còn một nguyên nhân về mặt chủ quan, đó là tính năng động, sáng tạo của thành phố đã có dấu hiệu suy giảm, mà chỉ mới được quan tâm trở lại trong khoảng hai năm gần đây", ông Châu nhấn mạnh.
Để trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng trong nước, quốc tế, TP.HCM cần phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, cụ thể:
Trước hết, thị trường bất động sản của thành phố cần tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế; Phát triển bất động sản theo hướng xanh và thông minh; Sản phẩm bất động sản đa dạng; Có tỷ suất sinh lợi hấp dẫn trong trung hạn, dài hạn; Có khả năng chống chịu khủng hoảng; Trong tương quan so sánh, phải ít tiềm ẩn rủi ro hơn so với các nước trong khu vực, nhất là trong điều kiện độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản phải minh bạch, bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Đồng thời, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản phải được cập nhật đầy đủ, trung thực, theo thời gian thực mà mọi người đều truy cập được. Phải phát triển đồng bộ cả cơ sở hạ tầng vật thể và cơ sở hạ tầng phi vật thể, như hạ tầng giao thông, vận tải; hạ tầng năng lượng; hạ tầng kỹ thuật đô thị và quy hoạch phát triển đô thị; hạ tầng mạng (cả đường truyền, phần cứng và phần mềm); hạ tầng tài chính, ngân hàng; hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data); hạ tầng pháp lý; nguồn nhân lực...
Trước những thách thức để phát triển và những điểm "nghẽn" đang tồn tại, HoREA đã đề xuất 3 giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện thời.
Thứ nhất, đại diện HoREA cho rằng cần phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế pháp luật. Cụ thể: Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính khả thi, tạo hành lang pháp lý để phát triển các lĩnh vực dịch vụ với chất lượng ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế; Thực thi pháp luật công minh; Quy trình thủ tục hành chính minh bạch...
Điểm nghẽn thứ hai cần giải quyết là về cơ sở hạ tầng. Theo đó, HoREA đề xuất phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khung, đồng bộ, trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải tạo nền tảng để phát triển thị trường bất động sản, phát triển lĩnh vực dịch vụ bất động sản.
"Từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên phát triển có chọn lọc hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải (logistics), hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng mạng tiệm cận chuẩn mực quốc tế; đảm bảo an ninh năng lượng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á", ông Lê Hoàng Châu nêu.
Thứ ba là giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực.
HoREA nêu giải pháp: Cần coi giáo dục là quốc sách, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lành nghề, tăng cường huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ thông tin, sử dụng tiếng Anh là phổ biến chỉ sau tiếng Việt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hội nhập quốc tế.
Song song với đó, cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường bất động sản với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện các chương trình chỉnh trang, tái phát triển đô thị.../.