TP.HCM: Căng thẳng nguồn cung nhà ở

Tính đến giữa năm 2019, lượng căn hộ tại thị trường TP.HCM được dự báo “bùng nổ” song bởi vướng nhiều điểm nghẽn, nguồn cung vẫn là thách thức với thị trường này.

23:30 27/06/2019

Tại buổi tọa đàm Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thống kê cả nước hiện có khoảng 4.400 dự án chung cư, trong đó, hơn một nửa nguồn cung dự án đến từ 2 thành phố lớn. Hà Nội có khoảng 1.000 dự án và TP.HCM dẫn đầu cả nước với số lượng công trình nhà ở cao tầng khoảng 1.400 dự án chung cư.

Tuy là điểm nóng bùng nổ về số lượng dự án nhà ở cao tầng trên cả nước, TP.HCM có gần 500 chung cư được xây dựng trước năm 1975. Những công trình này chủ yếu là thấp tầng, không có thang máy và hiện đã bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn vì xuống cấp, hư hỏng, được đưa vào diện cải tạo, xây mới.

Báo cáo mới nhất về thị trường nhà ở TP.HCM của Savills Việt Nam dự báo, đến năm 2021, thị trường ước tính có hơn 154.000 căn hộ từ 100 dự án sẽ được mở bán. Riêng năm 2019 TP.HCM sẽ có khoảng 66.000 sản phẩm, lượng hàng chủ yếu đến từ khu Đông.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 - 2021 TP.HCM đang có định hướng hạn chế cấp phép dự án nhà ở cao tầng mới nên thời điểm này nguồn cung căn hộ có thể sụt giảm cục bộ. Trong quý đầu năm 2019, nguồn cung sơ cấp chào bán lần đầu toàn thị trường (cộng dồn rổ hàng cũ lẫn mới) đạt hơn 12.000 căn hộ, lần lượt giảm 34 - 57% theo quý và theo năm.

Tính đến giữa năm nay, nguồn cung căn hộ tại thị trường TP.HCM được dự báo “bùng nổ” song bởi quá nhiều điểm nghẽn, nguồn cung vẫn là thách thức với thị trường này.

Tính đến giữa năm nay, nguồn cung căn hộ tại thị trường TP.HCM được dự báo “bùng nổ” song bởi quá nhiều điểm nghẽn, nguồn cung vẫn là thách thức với thị trường này. 

Mặc dù nhà ở cao tầng đang ngày càng tăng nhanh về lượng tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, chất lượng sống mới là vấn đề đáng được lưu tâm. Thống kê của Bộ Xây dựng, tranh chấp chung cư chiếm khoảng 10% tổng số dự án trên cả nước và có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp. Nội dung tranh chấp chủ yếu liên quan đến quỹ bảo trì, diện tích chung riêng, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm bầu ban quản trị, chậm bàn giao sổ hồng...

Mặt khác, TP.HCM hiện có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó, có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người. Vì vậy, có thể thấy nhu cầu nhà ở của thành phố rất lớn. Và với tình hình nguồn cung như hiện tại thì việc đáp ứng nhà ở cho người dân sẽ ngày càng khó khăn.

Ngoài ra, TP.HCM đã đưa ra một loạt các kế hoạch, chương trình về cải tạo, chỉnh trang đô thị. Thị trường nhà ở 2019 sẽ có nhiều ảnh hưởng, tác động đến nguồn cung cũng như nhu cầu mua nhà ở. Chỉ tính riêng chương trình giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch đã có 20.000 căn nhà bị ảnh hưởng. Để giải quyết chỗ ở cho những đối tượng này cũng là câu chuyện không đơn giản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra nghịch lý đang diễn ra ở thị trường bất động sản TP.HCM là bất chấp thị trường ảm đạm, giá bất động sản vẫn cao.

Căn hộ tăng giá từ 10 - 30% tùy khu vực, đất nền nhiều nơi tăng gần 30 - 40%. Cá biệt phân khúc nhà phố trung tâm có nơi giá rao bán tăng đến 50-60%. Trong khi đó, số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng theo đó cũng giảm từ 30 - 50%. Tuy giá rao tăng rất nhanh nhưng số lượng giao dịch lại không tăng tương ứng. Đây là khó khăn lớn nhất thị trường đang gặp phải.

“Vấn đề khác mà thị trường bất động sản phải đối mặt đó là khó khăn đến từ dòng vốn tín dụng. Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước chính thức được thực hiện từ quý I/2019 đã tác động mạnh và rõ nét đến giao dịch trên thị trường. Do khó tiếp cận được vốn, giá nhà lại tăng liên tục, nên nhu cầu đầu tư và mua bán bất động sản giảm mạnh”, ông Châu nhận định.

Giới chuyên gia cũng nhận định, trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung. Thị trường để có nguồn cung mới cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Đặc biệt, thời gian cụ thể cho nguồn cung mới trở lại ổn định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

UBND T.PHCM mới đây đã ban hành quyết định số 1757/QĐ-UBND nhằm bổ sung Quyết định 5087/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND TP về Ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, danh sách các dự án nhà ở thương mại được cập nhật chia làm 3 khu vực: Khu vực trung tâm hiện hữu có 3 dự án; khu vực nội thành hiện hữu có 17 dự án; khu vực nội thành phát triển có 106 dự án. Ngoài ra, 4 dự án nhà ở xã hội cũng được cập nhật, bổ sung vào đợt này, trong đó quận 7: 2 dự án, quận 9: 1 dự án và quận 12: 1 dự án.

Việc cập nhật, bổ sung danh sách các dự án vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 nhằm làm cơ sở để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật hiện hành; đảm bảo việc phát triển các dự án nhà ở được công khai, minh bạch, bền vững, không gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố.

An Yên

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Căng thẳng nguồn cung nhà ở tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận