Trước đó, bà Lê Thị Hồng Tha (thôn 2, xã Đăk Cấm) đã tự ý xây dựng công trình, chuỗi nhà sai phạm trên đất nông nghiệp. Theo đó, diện tích sai phạm là 4.434/6.633m2, trong đó diện tích đã xây dựng công trình khoảng 3.104m2 và diện tích còn lại là ao cá khoảng 1.330m2.
Cùng với đó, diện tích 200m2 mà bà Tha được cấp GCNQSD đất ở, xây dựng không đúng vị trí, vị trí này đã được đào ao. Như vậy diện tích đất ở bà Tha được cấp đã không sử dụng xây nhà theo quy định.
Theo ông Ninh, công trình vi phạm này tồn tại trên đất nông nghiệp là sai quy định và trách nhiệm thuộc về UBND xã Đăk Cấm. Lãnh đạo UBND TP. Kon Tum cũng như các tập thể, người đứng đầu các phòng ban có liên quan (ngoại trừ xã Đăk Cấm đang được cân nhắc để xem xét xử lý) đều bị hạ một bậc thi đua.
Hiện UBND TP.Kon Tum đã đề xuất hướng xử lý gửi lên UBND tỉnh Kon Tum để xin ý kiến chỉ đạo theo hai hướng. Thứ nhất, cần phải tháo gỡ tất cả các công trình xây dựng trái phép của bà Tha, nhưng diện tích và kinh phí đầu tư lớn nên phương án này sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân.
Thứ hai, sẽ cho phép tồn tại các công trình đã xây dựng trái quy định. Tuy nhiên, gia đình phải cam kết chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đã xây dựng công trình cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch. Đặc biệt, trong diện tích sai phạm này có một phần nằm trong quy hoạch đất giao thông.
Khi được hỏi về vị trí khu đất này có được phép kinh doanh thương mại, dịch vụ hay không ông Ninh cho biết: “Đối với đô thị, nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại thì được còn các khu vực khác thì không. Nghĩa là sau khi chuyển sang đất ở nông thôn phải có quy hoạch là dịch vụ thương mại, trường hợp của bà Tha không được hoạt động (kinh doanh, thương mại) mà phải có điều chỉnh sang đất thương mại, dịch vụ. Cũng liên quan đến vụ việc này, Thanh tra thành phố sẽ vào cuộc, đồng thời thành phố sẵn sàng đề xuất Ủy ban Kiểm tra Thành ủy giám sát…”.