Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm trưởng đoàn kiểm tra
Ngày 21/1, trao đổi về việc Công ty Mland Vietnam 2 lần mở bán dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu-Long Thượng với tên Long Thượng Riverside và Khu dân cư Long Thượng, với những tiện ích không có trong quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết: “Giữa tuần này sẽ có đoàn kiểm tra do đồng chí Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Sau đó sẽ cung cấp thông tin tới phóng viên”.
Trước đó, ông Hùng cũng khẳng định, từ những thông tin báo chí phản ánh, ông sẽ cho kiểm tra và mời MLand Vietnam tới làm việc. “Chúng tôi sẽ rà soát lại, cái nào có quy định xử lý thì chúng tôi sẽ cho anh em xử lý. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra xử lý. Nếu hành vi đó thuộc về quảng bá thì Sở Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý. Còn về đất đai và môi trường có liên quan thì sẽ thuộc thẩm quyền của Sở TNMT. Còn cái gì thuộc về xây dựng thì chúng tôi sẽ xử lý”, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết.
Từ tháng 5/2018, First Real Miền Nam đã mở bán, khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, với tên thương mại là Trị Yên Riverside. Sau nhiều thông tin lùm xùm về pháp lý dự án, Mland Vietnam hiện là nhà phân phối độc quyền dự án với 2 lần mở bán vào các ngày 6/1 và 20/1 với tên Long Thượng Riverside và Khu dân cư Long Thượng.
Cả hai lần mở bán MLand Vietnam đều quảng cáo rằng dự án có các tiện ích nội khu như: Trung tâm thương mại; công viên ven sông, cầu cảnh quan; Trường tiểu học và trường mẫu giáo. Đặc biệt ở lần bán lần một còn có thêm các tiện ích như: Khu compound có camera an ninh 24/24, khu vui chơi trẻ em. Các tiện ích được quảng cáo ở cả hai lần mở bán này đều không có trong quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên sau khi dự án được Mland mở bán vào ngày 6/1, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) tỉnh Long An, cho biết, hiện Sở TN-MT chưa nhận được hồ sơ chuyển nhượng dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu - Long Thượng.
“Theo quy trình, Sở TN-MT khi tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra thực tế dự án có đầy đủ hạ tầng, thì mới cấp phép cho chuyển nhượng. Bởi khi chuyển nhượng người dân vào ở thì phải có điện, có nước, có đường đầy đủ. Việc chủ đầu tư và công ty môi giới mở bán dự án khi Sở TN-MT chưa phê duyệt hồ sơ cho phép chuyển nhượng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng thì thẩm quyền xử lý thuộc Sở Xây dựng hoặc UBND huyện Cần Giuộc”, ông Thông nói.
Cần xem xét từ vấn đề lấp sông làm khu dân cư
Được hình thành từ việc lấp đoạn sông Cầu Tràm dài 1,2km, ngày 16/3/2018, dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu - Long Thượng được ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch huyện Cần Giuộc, ký duyệt cho bà Trương Ngọc Hiền Khanh làm chủ đầu tư, trái Luật Kinh doanh Bất động sản.
Việc lấp đoạn sông Cầu Tràm còn kéo theo ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở Long An. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là hậu quả trước mắt. Tác động lâu dài vẫn là điều khôn lường, nếu thiếu đánh giá tác động môi trường từ các nhà chuyên môn.
Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partner, cho rằng, nếu con rạch có chiều rộng tới 34m, thì cũng là con sông quan trọng. Do đó, chính quyền địa phương không thể đơn phương, tự ý ra quyết định lấp đi được.
“Cần xác định thực tế là việc lấp sông có ảnh hưởng tới đời sống người dân hay không? Nếu ảnh huởng thì người dân có quyền khiếu nại tới các cơ quan nhà nước. Cụ thể như UBND tỉnh, cơ quan thanh tra tỉnh, HĐND tỉnh để được bảo vệ quyền lợi”, luật sư Bình nói.
Luật sư Bình cho biết thêm: “Tôi đánh giá dự án này là chủ trương của tỉnh đó (Long An - PV) rồi, vấn đề là chủ trương đó xét về góc độ khoa học có đúng hay không. Đánh giá về tác động môi trường và xã hội đã được làm đầy đủ hay chưa. Có nhiều khi có những quyết định, chính sách của chính quyền cũng sai, đâu phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng”.
Trong khi đó, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, việc lấp hay tạo mới sông rạch nói chung, đều phải dựa vào khoa học và có sự đánh giá tác động tốt và tác động xấu. Điều này được thực hiện thông qua ý kiến của các sở ngành; ý kiến của người dân qua việc quy hoạch dự án (Luật Quy hoạch); điều tra lập báo cáo tác động môi trường.
“Trong phạm vi dự án này, cần xem xét về những vần đề báo cáo tác động môi trường và về quy hoạch (đặc biệt là các bản đồ kèm theo quy hoạch). Việc điều chỉnh các tuyến sông, suối, kênh, rạch… là cần thiết, nếu giúp cải thiện môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, phải dựa vào các công tác quản lý chuyên ngành địa phương (giao thông, thủy lợi) và việc giảm các tác động môi trường. Nếu việc thực hiện chưa đúng, chưa phù hợp thì cần phải có sự tham gia ý kiến của các Sở ngành chuyên môn và việc báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ”, luật sư Phượng nói.