Tăng cường xây dựng hạ tầng đồng bộ
Long An là tỉnh vùng ven TP.HCM, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là cầu nối phát triển giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển hài hòa cả công nghiệp và nông nghiệp. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế lẫn nhà đầu tư khi nói về Long An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết: “Với lợi thế về địa lý, tỉnh quyết tâm hoàn thiện hạ tầng đồng bộ để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện. Hiện tại, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư dần hoàn thiện, thuận tiện, an toàn cho nhà đầu tư sử dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa - Tân Tập - Cần Giuộc) là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn tỉnh với Cảng Quốc tế Long An. Đến nay, sau thời gian tập trung đầu tư, Đường tỉnh 830 hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn từ Đức Hòa - Bến Lức, đoạn còn lại từ Bến Lức đến Cảng Quốc tế Long An đang triển khai thi công gấp rút để hoàn thiện vào đầu năm 2019.
Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) có 2 cơ sở sản xuất đều nằm trên trục Đường tỉnh 830. Giám đốc Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An - Võ Thanh Tú cho rằng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Điều này giúp doanh nghiệp (DN) thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí đầu vào nên hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Bến Lức là một trong những huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh. Thời gian qua, trên địa bàn huyện được tỉnh đầu tư nhiều tuyến giao thông như Đường tỉnh 816, Đường tỉnh 833B,... Ngoài ra, huyện còn tập trung nguồn lực đầu tư các công trình khác như đường Long Bình, Trần Thế Sinh. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi chia sẻ: “Hạ tầng giao thông trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp”.
Tập trung thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp
Năm 2018, tỉnh thành lập mới 1.492 DN (tăng 0,6% so với năm 2017) với vốn đăng ký 22.464 tỉ đồng (tăng 12%), đầu tư nước ngoài cấp mới 90 dự án, với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD (tăng 15 triệu USD). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11.748 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 272.776 tỉ đồng. Ngoài ra, đối với dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh có 951 dự án, với tổng vốn đăng ký 6.009 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào K,CCN chưa đạt kế hoạch đề ra.
Hiện toàn tỉnh có 16 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Các KCN thu hút được 1.396 dự án đầu tư, trong đó có 626 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 3.675 triệu USD và 770 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 77.056 tỉ đồng. Đối với CCN, có 22 CCN đi vào hoạt động và thu hút 544 dự án với tổng vốn đầu tư 15.635 tỉ đồng. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN đang hoạt động đạt 86,55%.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trần Văn Bình nhận định, hoạt động thu hút đầu tư vào KCN chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, DN hoạt động tại các KCN rất ổn định và tạo ra giá trị hàng hóa cao, góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Hiện nay, một số dự án đầu tư tại các KCN mở rộng quy mô sản xuất hoặc xây dựng nhà máy hoạt động sau thời gian đăng ký đầu tư. Từ đó, các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu, xuất, nhập khẩu của các DN trong KCN tăng trưởng cao. Điều đó cho thấy, hoạt động của các DN ổn định và tăng trưởng khá tốt.
Mới đây, tại KCN Nhựt Chánh (huyện Bến Lức), Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Việt Thắng Long An, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhà máy sản xuất với quy mô 600.000 tấn/năm, trên khuôn viên đất diện tích 6,8ha, tổng mức đầu tư 35 triệu USD. Nhà máy được vận hành hoàn toàn tự động, với mỗi ca sản xuất chỉ cần 6 nhân viên trong 8 giờ là cho ra 800 tấn sản phẩm. Đây là một trong những nhà máy đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0. Trong quá trình hoạt động sản xuất, nhà máy sẽ không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, tạo sự an tâm cho người chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, các K,CCN của tỉnh thời gian qua liên tục phát huy hiệu quả, góp phần giúp tỉnh thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua đối thoại với DN nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, tập trung thu hút đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thoát nước mưa để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp hoạt động ổn định. Tỉnh giữ vững lập trường thu hút đầu tư vào các K,CCN, thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn./.