Theo quy hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2014-2020, Đồng Nai sẽ thực hiện 48 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 7 dự án nhà ở cho sinh viên và 41 dự án nhà ở cho các đối tượng khác. Tuy nhiên đến nay mới có 8 dự án được triển khai.
“Nóng” nhu cầu nhà ở xã hội
Với hơn 600 ngàn công nhân đến từ các tỉnh, thành khác và nhiều lao động công chức có mức thu nhập không cao nên nhu cầu về nhà ở xã hội tại Đồng Nai rất nhiều. Thế nhưng, những dự án về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai rất ít. Những khu vực đông dân cư, rất cần các dự án nhà ở xã hội thuộc các địa phương Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom... song số dự án triển khai được và đi vào thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế, ít nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp cũng là lý do chính dẫn đến việc người dân “lén” mua đất nông nghiệp, phân lô bán nền và xây dựng nhà ở trái phép. Bởi 1 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp giá chỉ bằng 1/3 căn nhà làm trên đất thổ cư và được cấp phép đầy đủ.
TP.Biên Hòa là nơi có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nhất trên địa bàn tỉnh nhưng các doanh nghiệp lại đang “ngán” những dự án này. Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết: “TP.Biên Hòa cần rất nhiều nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhưng các dự án nhà ở xã hội rất khó mời gọi nhà đầu tư. Nút thắt nằm ở chỗ các doanh nghiệp ngại làm nhà ở xã hội vì thủ tục thì nhiều, các ngân hàng cũng không mặn mà cho vay vốn”. Năm 2018, Đồng Nai đặt ra kế hoạch sẽ làm hơn 200 căn nhà ở xã hội nhưng không đạt được.
Chị Lê Thị Thanh Hương (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi từ Bắc vào, làm công nhân thu nhập thấp nên phải thuê phòng trọ sống gần 10 năm nay. Vợ chồng và 2 con sống trong phòng trọ hơn 10m2 rất chật chội nhưng cũng đành chịu. Nếu có nhà ở cho người có thu nhập thấp khoảng 500-600 triệu đồng/căn và cho trả dần thì vợ chồng tôi ráng mua để có chỗ ở ổn định”. Mong mỏi của chị Hương cũng là mơ ước chung của hàng trăm ngàn người có thu nhập thấp tại Đồng Nai về một nơi ở hợp lý, giá phải chăng nhằm “an cư lạc nghiệp”.
2 nút thắt lớn
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 36 dự án nhà ở xã hội chưa được triển khai. Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, trong quá trình làm dự án nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp xin chuyển từ dự án nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại. Lý do là làm nhà ở xã hội thủ tục rườm rà hơn, trong khi vốn vay ưu đãi lại không có và lợi nhuận không thể cao bằng các dự án nhà ở thương mại.
Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh các dự án về nhà ở có chung nhận định, để tạo điều kiện và khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia dự án nhà ở xã hội thì Chính phủ, tỉnh phải có những chính sách ưu đãi nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại như: thủ tục phải đơn giản, có nguồn vốn vay ưu đãi cho cả doanh nghiệp triển khai dự án lẫn người mua nhà, nguồn vốn phải dễ tiếp cận như gói 30 ngàn tỷ đồng trước đây.
Ông Phan Văn Quang, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị - IDICO (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “IDICO dự tính đến năm 2020 sẽ xây dựng 27 block chung cư với 3,5 ngàn căn nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng do không có nguồn vốn vay ưu đãi và thủ tục phức tạp nên dự án đã chậm lại đến nay mới xây dựng được hơn 1 ngàn căn. Năm 2019, IDICO sẽ triển khai thêm hơn 200 căn nhà ở xã hội nhưng phải vay vốn thương mại nên giá căn hộ sẽ bị đẩy cao hơn”. Ông Quang cũng thông tin, hơn 1 ngàn căn nhà ở xã hội của công ty xây dựng xong trong thời gian ngắn đã được mua và thuê gần hết và nhu cầu vẫn còn khá lớn.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho rằng, doanh nghiệp không muốn đầu tư vào dự án nhà ở xã hội là vì thủ tục phức tạp hơn dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, không có nguồn vốn vay ưu đãi giá thành sẽ bị đẩy lên cao và về bản chất không còn là nhà ở phù hợp với người có thu nhập thấp nữa.
Theo kế hoạch đến năm 2020, Đồng Nai sẽ xây dựng được 21,5 ngàn căn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này mới xây dựng được gần 2,8 ngàn căn. Như vậy muốn hoàn thành kế hoạch trong gần 2 năm tới là điều không thể. Muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư vào dự án nhà ở xã hội phải gỡ được 2 nút thắt lớn là thủ tục hành chính và vốn. Nếu 2 nút thắt này chưa được gỡ thì không riêng Đồng Nai, các nơi khác khó mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cho người có thu nhập thấp.