Đâu là nguyên nhân chính?
Ngày 29/9 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng hư hỏng, sạt lở đường giao thông tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Theo đó, Sở GTVT tỉnh này cũng vừa có tờ trình số 73 đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và cấp kinh phí hơn 15 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng tại hàng loạt công trình giao thông. Đó là tỉnh lộ 672, tỉnh lộ 675, tỉnh lộ 678, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh và đoạn từ đường Hồ Chí Minh đi xã Đăk Ang. Nguyên nhân đường hư hỏng được đưa ra là do ảnh hưởng cơn bão số 4 vào tháng 8/2018.
Theo quan sát của phóng viên, hiện có 3 tuyến đường tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y bị hư hỏng nghiêm trọng, cấu kết mặt đường rạn nứt, hệ thống thoát nước, cây xanh bị sụt lún xuống độ sâu hàng chục mét.
Cụ thể, tại tuyến đường vào khu dân cư I-1 chỉ dài chừng hơn 250m, rộng 7m, mặt đường bằng bê tông xi măng, nhưng đã có gần 100m bị hư hỏng nghiêm trọng. Toàn bộ mặt đường bị sụt lún xuống phía taluy âm sâu hàng chục mét. Hệ thống thoát nước, cây xanh cũng bị đánh bật, cuốn trôi.
Tuyến đường D7 dài hơn 1km, rộng 15,5m, mặt đường cũng bằng bê tông xi măng có gần 50m nền đường bị sạt lở xuống ta luy âm sâu khoảng 10m, vỉa hè công trình này cũng bị hư hỏng nặng.
Tuyến đường D8 dài gần 2km thì có khoảng 30m nền đường bị sạt lở xuống phía taluy âm.
Anh N.T.T người dân ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phản ánh, nhiều con đường tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (xã Bờ Y) dù ít được sử dụng nhưng lại bị hư hỏng, sụt lún nghiêm trọng, gây lãng phí và đe dọa tính mạng người dân khi đi qua khu vực này.
Trước thực trạng này, theo đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum, cần làm rõ lý do tại sao, do thiết kế sai, hay thi công ẩu hoặc do địa hình địa chất ? Trước khi UBND tỉnh cho chủ trương khắc phục cần phải chỉ cho đúng nguyên nhân.
Cần có giải pháp cụ thể!
Theo ghi nhận, các tuyến đường tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y mới chỉ được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015, riêng tuyến đường D8 mới chỉ đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017. Có rất ít phương tiện giao thông qua các tuyến đường này. Xung quanh các tuyến đường cũng chỉ vài hộ dân sinh sống.
Không chỉ các tuyến đường tại Kon Tum, đoạn đường dài 21,8km liên huyện Đắk Đoa và Chư Prông tại tỉnh Gia Lai có vốn đầu tư 95 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, mới đưa vào sử dụng vài tháng cũng có nhiều chỗ hỏng.
Theo các đơn vị tư vấn, đường thi công năm 2016, đến tháng 2/2018 thì được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thời gian bảo hành chỉ 12 tháng, tức là đến tháng 2/2019 sẽ hết bảo hành.
Tuy nhiên, dù biên bản nghiệm thu công trình trên được phê “Đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xây dựng, đúng thiết kế”, nhưng thực tế, mặt đường nhiều chỗ bong tróc, lồi lõm, nhiều vị trí bị nứt, cong vênh. Thậm chí, chỉ cần dùng tay, phóng viên cũng có thể bóc được từng mảng đường. Tổng diện tích mặt đường hỏng được xác định khoảng 400m2.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, lý do chính các tuyến đường bị hỏng cũng là... mưa.
Thế nhưng, một vài kỹ sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường tại Gia Lai phản đối cách lý giải đó! Theo họ, nói đường hỏng do mưa là không thuyết phục. Bởi, trên mặt đường có lớp láng nhựa, gọi là áo đường mềm. Lớp áo này không cho nước thấm qua. Nếu hệ thống thoát nước được làm tốt thì đường không thể nào bị hỏng do mưa. Hơn nữa, nếu do mưa, thì đường phải hỏng toàn tuyến, chứ không thể bị ở từng điểm riêng lẻ.
Trước những sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, chủ thầu và đơn vị thi công kiểm tra hiện trạng hư hỏng tuyến đường. Đồng thời, các đơn vị liên quan phải khẩn trương sửa chữa, khắc phục các vị trí đường hỏng để đảm bảo an toàn giao thông, sau đó thông tin kết quả đến các báo và UBND tỉnh.