Chiều 29/12, tại huyện Cần Giờ, TP.HCM đã tổ chức hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sau 40 năm sáp nhập TPHCM.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng nhận xét những tiến bộ đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội trong 40 năm qua đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, khó khăn của huyện vẫn còn nhiều, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phải nỗ lực, chủ động hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong thời gian tới.
Từ đó, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng, xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng dịch vụ, nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ… trong thời gian tới.
“Cần Giờ là huyện biển duy nhất của TP.HCM, có vị trí quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển và lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Do đó, huyện cũng xác định xây dựng Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế”.
Đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới, người đứng đầu chính quyền huyện Cần Giờ nhấn mạnh đến định hướng phát triển Cần Giờ thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Báo cáo của UBND huyện về nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới cũng khẳng định sẽ xây dựng cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm thành phố (hiện UBND TP đang xem xét phương án thiết kế kiến trúc cầu); nâng cấp, cải tạo đường Rừng Sác; phát triển hệ thống giao thông đường thủy bằng tàu cao tốc nối Cần Giờ với quận 1, nối Cần Giờ với Vũng Tàu.
Đặc biệt, báo cáo cũng cho biết việc phát triển tuyến giao thông kết nối bằng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cần Giờ và đầu tư cầu vượt biển hiện đại nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu (dài khoảng 17km) cũng là những khả năng mà TP.HCM sẽ xem xét trong quá tình đầu tư phát triển huyện Cần Giờ.
Định hướng phát triển nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung, đề nghị huyện cần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhận xét các mô hình nuôi tôm, cua, cá dứa, chim yến… ở huyện Cần Giờ đang mang lại hiệu quả cao, ông Nguyễn Phước Trung đề nghị huyện cần nhân rộng các mô hình, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững kết hợp du lịch sinh thái và gắn với dịch vụ đầu ra như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Trong đó, huyện cũng cần nghiên cứu xác định đúng giống cá dứa thông qua giải mã, xác định gen và quy trình sinh sản, nhân giống, xây dựng thương hiệu cá dứa giống Cần Giờ.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nhận xét với sự kiên trì, quyết tâm xây dựng và phát triển cùng sự quan tâm của TPHCM, từ một địa phương có nhiều khó khăn, sình lầy, ngập mặn, huyện Duyên Hải trước kia đã trở thành Cần Giờ "thay da đổi thịt" như ngày hôm nay. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Cần Giờ 40 năm qua có ý nghĩa hết sức to lớn và sự phát triển của Cần Giờ chính là đổi đời. Hiện nay, Cần Giờ có lượng du khách tăng bình quân hơn 50%/năm, doanh thu từ du lịch năm gần đây hơn 500 tỷ đồng/năm. "Nếu phục vụ tốt hơn, giao thông tốt hơn thì số tiền thu được còn cao hơn nữa", Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, có được thành quả nêu trên, trước hết là tầm nhìn lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và TP.HCM, đề xuất đưa Duyên Hải trở lại TP.HCM. Có Cần Giờ, TP.HCM trở thành 1 siêu đô thị có biển, có Khu Dự trữ sinh quyển của Thế giới mà các đô thị khác trong cả nước không có. Khi về với TP.HCM, Cần Giờ cũng có thêm nhiều điều kiện phát triển nhanh, hiệu quả hơn. Trong lịch sử 200 năm qua, thì 40 năm từ ngày về TP.HCM là giai đoạn phát triển nhanh nhất từ trước đến nay của huyện Cần Giờ
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ của hệ thống chính trị và nhân dân huyện Cần Giờ trong 40 năm qua để huyện Cần Giờ trở thành địa danh thân thuộc và đáng tự hào của TP.HCM.
“Trong xu thế chung, TP.HCM đang cùng cả nước tích cực hội nhập và đổi mới, thời cơ đang đến kèm cả thách thức, TP.HCM tiếp tục khơi dậy sáng tạo của người dân TPHCM, trong đó có huyện Cần Giờ", ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Cụ thể, trong thời gian tới cần quan tâm phát triển 9 trụ cột đã hình thành trong 40 năm qua để phát triển huyện Cần Giờ, trong đó nhấn mạnh đến việc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ cao, đem lại hiệu quả cao, đồng thời gìn giữ môi trường; có các mô hình sản xuất tập thể, trang trại gắn với doanh nghiệp. Cùng với đó là việc đẩy mạnh khai thác thế mạnh của du lịch của huyện Cần Giờ, trong đó có hệ thống sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn Cần Giờ với môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp...
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu UBND TP.HCM trình cơ quan chức năng xem xét về việc thực hiện dự án phát triển Cần Giờ thành khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
“Tôi đã 7 lần nghe về dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Việc thực hiện dự án là để góp phần phát triển thành phố, nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của huyện Cần Giờ", Bí thư Thành uỷ TP.HCM bày tỏ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý đến việc tiếp tục triển khai dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, các công tình giao thông và đầu tư bổ sung các cây cầu còn thiếu, phát triển viễn thông... để phát triển địa phương. Cùng đó là việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với dịch vụ du lịch và tiếp tục đảm bảo huyện Cần Giờ là nơi quan trọng về quốc phòng an ninh, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh cho TP.HCM và phía Nam.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ lòng biết ơn đến cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, đã có tầm nhìn chiến lược khi báo cáo, đề xuất Trung ương đưa huyện Cần Giờ sáp nhập vào TP.HCM.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cần Giờ tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến huyện Cần Giờ hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho phát triển vượt bậc của Cần Giờ trong thời gian tới.
Huyện Cần Giờ (trước đây là Duyên Hải) là huyện ngoại thành của TP.HCM, nằm cách trung tâm 50km theo đường chim bay, có hơn 20km bờ biển. Huyện rộng khoảng 71.316ha (chiếm 1/3 diện tích của thành phố) với 70% diện tích là rừng ngập mặn và sông rạch. Trước 30/4/1975, Duyên Hải là một quận của tỉnh Gia Định, có căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh phòng cho con đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào Sài Gòn. Sau 30/4/1975, huyện Duyên Hải được thành lập từ quận Cần Giờ và quận Quảng Xuyên (thuộc tỉnh Đồng Nai), với cơ ngơi khiêm tốn, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy (chỉ có 13km đường bộ). Huyện cũng đối diện với nạn đói, nạn dốt. Tháng 11/1977, trong một buổi làm việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Duyên Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đề nghị chuyển nhập vào TP.HCM. Từ đó, những vấn đề có tầm chiến lược đã được thống nhất kết luận: Huyện Duyên Hải là vị trí tiền tiêu của TP.HCM, không chỉ quan trọng về cạnh an ninh quốc phòng mà còn hướng tới khai thác tiềm năng phong phú của Biển Đông; bảo vệ con đường thủy quốc tế vào cảng Sài Gòn, mở con đường bộ từ nội thành về bờ biển và khôi phục Rừng Sác Cần Giờ. Ngày 12/1/1978, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định sáp nhập huyện Duyên Hải vào TP.HCM. Ngày 27 và 28/2/1978, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM đã tổ chức bàn giao. Ngày 29/12/1978, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP.HCM, đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện. |