Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM.
Thông báo nêu rõ, tiềm năng, tiềm lực của Thành phố còn rất lớn, do đó, Ban thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa có giải pháp đồng bộ trong việc phát triển của Thành phố.
Trước hết cần tập trung thực hiện kế hoạch hành động với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cụ thể để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ,... phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Tiếp đến, làm tốt quy hoạch chung của thành phố, vùng; thực hiện quy hoạch đô thị để mở rộng không gian phát triển, mở rộng đô thị theo hướng phát triển dịch vụ, công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp quốc gia; xây dựng đô thị vệ tinh theo hướng liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành phố cần tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị để chủ động thực hiện các chính sách thúc đẩy nguồn lực, hiệu quả, giải quyết vấn đề môi trường, nhân lực cho công cuộc phát triển thành phố. Thành phố phải phát triển hơn nữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn minh đô thị.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, dịch vụ công. Quyết liệt cơ cấu lại, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trên địa bàn Thành phố theo phương án và lộ trình đã được phê duyệt; bảo đảm công khai, minh bạch, gắn cổ phần hóa với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, chống thất thoát, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả. Kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và vận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế.
Chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; hạn chế phát triển các dự án sử dụng nhiều lao động giản đơn.
Kết luận cũng nêu rõ, Thành phố cần xây dựng các chương trình hành động để giải quyết căn bản những dự án lớn hiện nay như giao thông, nhà ở xã hội, tái định cư.
Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa vào sử dụng (sân bay Tân Sơn Nhất, Dự án metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án chống ngập úng, Dự án bến xe Miền Đông,... ).
Đồng thời, triển khai quyết liệt tổng thể nhiều giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, úng ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các khu đô thị mới cần chú trọng quy hoạch giao thông hạ tầng, môi trường sinh thái góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, quan tâm về các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong năm 2018, TP.HCM đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,25%, đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% (tốc độ tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng 22,9%, khu vực nông nghiệp 0,7%. Trên 44 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (chiếm 33,6% của cả nước); giảm gần 22 nghìn hộ nghèo và trên 27 nghìn hộ cận nghèo...