Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính Đảng do Ban Nội chính TƯ tổ chức sáng nay, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài.
Cơ quan quản lý có những sai sót
Đề cập đến vụ Thủ Thiêm, Bí thư Nhân cho hay, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, qua đó có nhiều vấn đề cho thấy các cơ quan quản lý có những sai sót.
“Bài học lớn đặt ra là nếu có sai sót thì chúng ta phải nhận. Thứ hai, có những trường hợp đã lợi dụng, kích động, gây áp lực đến TP. Ngoài ra, chính sách đền bù chưa hợp lý, quản lý quy hoạch đô thị yếu kém, cho đầu tư vào các vị trí nhạy cảm”, ông Nhân đúc kết.
Bí thư TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm công bố kết luận còn lại của Thủ Thiêm. “Vừa qua mới chỉ công bố những vấn đề liên quan đến dân, còn vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung thì chưa thấy công bố. Thành phố rất chờ đợi kết luận này”, ông Nhân nói.
Vụ khiếu kiện phức tạp thứ 2 được ông Nhân đề cập liên quan đến dự án chợ An Đông. Theo ông, vụ chợ An Đông sở dĩ kéo dài có phần lỗi của các cơ quan quản lý.
“Chúng ta có những cái sai, cái yếu kém nhưng không nhận, hoặc nhận không đầy đủ, dẫn đến bà con không chịu. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng lợi dụng để kích động”, ông Nhân lý giải.
Bí thư TP.HCM thông tin thêm, qua giải quyết cho thấy Ban quản lý chợ không quan tâm đến quyền lợi của bà con tiểu thương.
“Việc đầu tiên là phải thay Ban quản lý chợ. Những công trình làm chậm, tiểu thương góp ý nhưng không sửa, không nghe thì cần phải sửa ngay”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý lợi ích cốt lõi của tiểu thương là quyền kinh doanh phải được đảm bảo.
Kỷ luật 97 đảng viên
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Nhân cho hay, TP.HCM thực hiện quy chế quy định các cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ gắn với cán bộ, công chức có sai phạm.
Đó là tin qua công tác giám sát của Mặt trận, ĐBQH, HĐND; tin qua tiếp xúc cử tri mà người dân phản ánh; tin qua nhân dân tố cáo, khiếu nại và tin do báo chí đăng.
“Đây là 4 nguồn tin mà ngày nào, tháng nào, quý nào cũng có thể có, nhưng lâu nay chưa xử lý tốt. Chúng tôi ban hành quy chế này quy định rõ, khi có tin thì cấp ủy phải chỉ đạo cho chính quyền liên quan xử lý, xử lý xong thì phải báo cáo cấp ủy có thời hạn”, Bí thư TP.HCM cho hay.
Năm qua, hệ thống Đảng và chính quyền, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận hơn 3.400 tin có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Đến nay đã có hơn 3.000 tin đã được xử lý.
“Qua xử lý này có 2 kết quả quan trọng. Một là, các cấp ủy quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, ý kiến của giám sát, tiếp xúc cử tri. Thứ 2 là buộc phải làm, không vui nhưng phải kỷ luật 97 Đảng viên từ khiển trách đến khai trừ; về chính quyền đã xử lý 142 cán bộ công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc”, ông Nhân dẫn chứng.
Ngoài ra, qua tiếp dân của các cấp, TP nhận 8.000 kiến nghị về vụ việc giải quyết, riêng hệ thống kiểm tra đảng tiến hành 4.000 cuộc kiểm tra, giám sát…
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đối chiếu 8.000 vụ việc yêu cầu giải quyết, với hàng nghìn cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát có trùng lắp, có sót và có nơi giải quyết đến nơi đến chốn, có nơi chưa.
Ông thông tin, từ năm 2019, TP giao cho cơ quan kiểm tra tập hợp kế hoạch giám sát của Mặt trận, HĐND, kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm tra của Đảng rà soát lại chỗ nào có nhiều sai phạm thì kiểm tra nhiều để xử lý hiệu quả hơn, đến nơi, đến chốn.
Ông cũng nhìn nhận, kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra còn ít so với những việc đã làm. Ví dụ trong 142 trường hợp xử lý cán bộ, công chức và 97 trường hợp thì chỉ công bố ra xã hội có 4 trường hợp. Cho nên, tác dụng răn đe còn hạn chế.
“Tới đây, sẽ có công bố hàng quý về kết quả thanh tra, giám sát, kiểm tra”, Bí thư TP.HCM cam kết.
Nói về cơ chế khuyến khích không những không dám, mà còn không muốn tham nhũng, ông Nhân cho biết, TP được QH cho phép cơ chế thu nhập tăng thêm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, muốn thu nhập tăng thêm phải gắn với sự hài lòng của người dân, cơ quan nào làm tốt, chỉ số hài lòng của người dân cao thì phân chia thu nhập tăng thêm đến tập thể cao, còn nơi nào sự hài lòng thấp thì không được phân chia thu nhập tăng thêm. Như vậy sẽ tạo động cơ phát huy các sáng kiến.