Có người ví du lịch cộng đồng (DLCĐ) là “Một nền du lịch không làm tổn hại quá khứ, không ăn hết phần của tương lai và chia sẻ các lợi ích do du lịch mang tới cho đồng bào còn nghèo khổ”. Vì thế, đây còn được cho là loại hình du lịch xóa đói giảm nghèo, được khuyến khích phát triển ở nhiều địa phương có tài nguyên văn hóa, lịch sử, có nền di sản phong phú như Gia Lai.
“Bài học đầu tiên”
Bà Phan Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, đào tạo cho cộng đồng làm du lịch sẽ quyết định sự thành công của loại hình du lịch này.
Tuy nhiên, “vẽ đường” cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số làm du lịch giống như “vẽ lên một tờ giấy trắng”, cần những bước đi thận trọng, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới hy vọng có được sản phẩm DLCĐ “ra ngô ra khoai”.
Mục tiêu là từng bước hình thành mô hình DLCĐ trên cơ sở tuân thủ quy tắc: Phát triển du lịch mang lại lợi ích cho người dân, hướng dẫn cho người dân tự làm chủ việc kiếm sống từ hoạt động du lịch.
Làng văn hóa - du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku) hàng chục năm nay là điểm đến của tỉnh, nhưng người dân hầu như chưa được chia sẻ nhiều lợi ích do du lịch mang lại. Nằm trong kế hoạch xây dựng làng Ốp thành sản phẩm DLCĐ của thành phố, mới đây, người dân trong làng đã được tập huấn những kỹ năng ban đầu về cách thức làm du lịch.
Chị Măng - một người dân trong làng cho biết: Nhiều năm nay, chị vẫn thấy khách du lịch đến làng thăm giọt nước, nhà rông, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Jrai. Mặc dù rất muốn làm quen với du khách nhưng chị không biết phải bắt đầu từ đâu.
Chị kể: “Có lần mình đứng trong sân tuốt lúa, thấy có mấy người khách nước ngoài đứng nhìn rất thích thú. Một lần khác, khi mình đang giã lá chuẩn bị làm món cháo lá mì (một món ăn truyền thống của người Jrai - P.V) cũng thấy có vài du khách dừng ngoài hàng rào quan sát đầy tò mò. Mình rất muốn làm quen, mời họ vào nhà nhưng không biết bắt đầu như thế nào nên chỉ cười và gật đầu chào họ”.
Sau khi tham gia khóa tập huấn, chị Măng vui vẻ cho biết: “Sắp tới, nếu có khách đến làng, mình sẽ sẵn sàng chào hỏi, mời họ vào nhà chơi và giới thiệu những nét văn hóa của người Jrai. Còn nếu xây dựng làng Ốp thành mô hình DLCĐ, mình sẵn sàng tham gia các hoạt động du lịch. Mình biết làm nhiều món ăn truyền thống như: Cháo lá mì, lá mì xào cà đắng, tép đồng nấu với các loại lá, gà nướng cơm lam… để đãi khách”.
Người bản địa vốn rất thân thiện, mến khách, nhưng làm thế nào để tiếp đón khách du lịch tới nhà lại là câu chuyện khác. Do đó, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp là bài học đầu tiên trong chương trình tập huấn cho người dân làm du lịch.
Bên cạnh đó, biết cách giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống để dẫn dắt du khách cùng trải nghiệm cũng là một trong những kỹ năng quan trọng.
Anh Lik - một người dân tham gia khóa tập huấn chia sẻ: “Hiện nay, làng chúng tôi không còn nhà sàn nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn giữ được cồng chiêng, nhà mồ, giọt nước, nhà rông, những món ăn truyền thống và có 85% người dân trong làng làm nông. Nếu hình thành sản phẩm DLCĐ ở làng Ốp, chúng tôi sẽ tham gia giới thiệu những giá trị văn hóa này với khách du lịch, và cho họ trải nghiệm công việc nhà nông nếu họ muốn”.
Từng bước hoàn thiện sản phẩm
Theo bà Diệp, ngành Du lịch đang giúp các địa phương triển khai phương án xây dựng mô hình DLCĐ tại làng Ốp và Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang).
Trước đó, người dân Làng kháng chiến Stơr cũng được tập huấn những kỹ năng ban đầu về cách làm du lịch tương tự. Tuy nhiên, khi bắt tay vào hướng dẫn người dân bản địa cách làm du lịch thì gặp không ít khó khăn vì nhận thức của họ về du lịch gần như là con số không.
“Về lý thuyết, chúng tôi nhắc đi nhắc lại rằng cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa khi đón khách nhưng lý thuyết là một chuyện, thực tế lại hoàn toàn khác. Cái sạch của người dân bản địa với cái sạch trong phục vụ du lịch hoàn toàn khác nhau. Nếu mình không xắn tay áo lên làm mẫu, “cầm tay chỉ việc” thì hiệu quả không cao.
Ngoài ra, khi xây dựng mô hình DLCĐ ở mỗi địa phương, phải luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa, con người để đảm bảo tính khả thi. Chẳng hạn ở làng Ốp hiện nay không còn nhà sàn thì chưa thể triển khai dịch vụ homestay mà chỉ chú trọng cho khách trải nghiệm các giá trị khác.
Ngược lại, ở Làng kháng chiến Stơr, kiến trúc nhà sàn còn khá đậm đặc, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ ăn ở tại nhà dân. Do vậy, cách đào tạo DLCĐ cho người dân ở 2 ngôi làng cũng không giống nhau”, bà Diệp chia sẻ.
Bà Diệp cho biết thêm, trước đây, ngành Du lịch tỉnh đã đi học tập kinh nghiệm thực tế tại một số địa phương thành công về DLCĐ ở các tỉnh phía Bắc, nhưng không thể áp dụng một cách máy móc. Vì vậy, việc đào tạo cộng đồng làm du lịch cần có sự học hỏi, chắt lọc, nhất là cần sự hỗ trợ, quyết tâm của chính quyền địa phương, các chuyên gia…
Bên cạnh đó, việc này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, đi trước một thời gian dài, tiếp đến là hoàn thiện thêm các bước tiếp theo và tiến tới quảng bá, giới thiệu sản phẩm DLCĐ.
“Hiện nay, các địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển DLCĐ như sử dụng nguồn lực hiện có, phát huy lợi thế và cải thiện những điều kiện còn thiếu như thế nào, trình tự các bước thực hiện ra sao cho hiệu quả...
Do đó, việc xây dựng khung phương án thực hiện phát triển DLCĐ tại làng Ốp và làng Stơr do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện sẽ là mô hình mẫu cho các địa phương áp dụng, triển khai”, bà Diệp cho hay.