Đảm bảo vệ sinh môi trường
Theo UBND TP Cần Thơ, thời gian qua, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, thành phố luôn quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh. Trong đó, nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện; đồng thời việc xử lý triệt để chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển đô thị, mở rộng sản xuất, kinh doanh, khai thác dịch vụ là yêu cầu cấp bách và rất cần thiết. Các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ là dự án đầu tiên tại TP Cần Thơ sử dụng công nghệ tiên tiến đốt rác, tạo nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường. Nhà máy góp phần giúp TP Cần Thơ tiếp cận với công nghệ xử lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Sự kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển nhà máy là một nỗ lực của thành phố và là hoạt động phù hợp với quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…”.
Sau 17 tháng thi công, đến đầu tháng 12-2018, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ chính thức khánh thành tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Nhà máy xây dựng với tổng diện tích 5,3ha, nằm cách biệt với các khu dân cư và trục lộ chính. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Quốc tế Everbright, có tên pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), mỗi ngày xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000Kwh. Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; các chất thải dạng rắn, lỏng, khí thông qua các thiết bị chuyên dụng xử lý đạt tiêu chuẩn và thải ra ngoài. Nhà máy còn sử dụng nhiều lao động tại địa phương để vận hành, quản lý quá trình xử lý, đốt rác phát điện... Ngay thời điểm này, nhà máy đã phát điện và đấu nối vào lưới điện quốc gia tại TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Lúc đầu, hay tin nhà máy xử lý rác thải phát điện xây dựng tại xã Trường Xuân, chúng tôi lo lắng vì sợ mùi hôi, nước thải ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất nông nghiệp và môi trường sống xung quanh. Nhưng, sau khi nhà máy đưa vào hoạt động, các khâu tiếp nhận, xử lý rác sạch sẽ, không mùi hôi, không rò rỉ nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi mong sau này đơn vị đầu tư nhà máy xử lý rác phát điện tại huyện Thới Lai quản lý, điều hành nhà máy hoạt động tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường như hiện nay”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trước đây, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom và đưa đến các nhà máy xử lý rác tại Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt. Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đưa vào hoạt động và xử lý lượng rác trên. Các nhà máy rác ở huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn đóng cửa, không tiếp nhận rác mới và tập trung xử lý rác còn tồn đọng.
Ông Lý Tiểu Bằng, Chủ tịch Tập đoàn Everbright (chủ đầu tư nhà máy), cho biết: “Kể từ khi nhận quyết định chủ đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, chúng tôi luôn thực hiện theo mục tiêu “xây dựng nên dự án theo tiêu chuẩn xanh-sạch-đẹp cho TP Cần Thơ”, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động của chúng tôi được cơ cấu hết sức chặt chẽ, phát huy hiệu quả các tiềm lực để đẩy nhanh các hạng mục xây dựng và sau gần 2 năm nhà máy đã chính thức vận hành. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi sẽ có trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường, với phương châm không để phát thải xảy ra, đạt hiệu quả tốt, xuất sắc trong quá trình vận hành”.
Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển rác đến nhà máy của các đơn vị thu gom qua địa bàn huyện Thới Lai để rơi vãi nước rỉ rác xuống đường, gây dơ bẩn, mùi hôi trên đường và khu vực đông dân cư. Vấn đề này, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng yêu cầu các quận, huyện làm việc với đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, các địa phương, các ngành chức năng xử lý những trường hợp xe rác vận chuyển quá tải, làm rơi vãi nước rỉ rác trên đường…
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu thời gian tới, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ tổ chức vận hành nhà máy đúng quy trình, bảo trì bảo dưỡng đúng định kỳ, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng, an toàn và hoạt động đúng quy định pháp luật Việt Nam về môi trường. Các sở, ngành chức năng, các quận, huyện tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư vận hành hiệu quả nhà máy; tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải cung cấp cho nhà máy theo đúng tiêu chuẩn…
Ông Đào Anh Dũng nhấn mạnh: “Với năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo và nhân viên Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, tôi tin rằng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, trở thành một trong những mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Đồng thời, đây là mô hình đốt rác phát điện có thể nhân rộng trên cả nước như một giải pháp xử lý rác sinh hoạt hiệu quả và bền vững cho đô thị Việt Nam”.l