Aa

Thủ tướng chỉ đạo giải pháp xử lý hàng loạt vướng mắc tại các dự án cao tốc vùng ĐBSCL

Chủ Nhật, 09/07/2023 - 19:42

Điểm nghẽn hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đang cản trở sự phát triển của ĐBSCL. Để khu vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các giải pháp tháo gỡ.

   Chiều 8/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA tại khu vực này.

Nhiều nút thắt trong triển khai các dự án giao thông tại ĐBSCL

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng khác biệt, là vùng nông nghiệp nổi tiếng thế giới nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân do hạ tầng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của khu vực này.

Hiện vùng ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe). 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc đang ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Cụ thể, các dự án giao thông thường đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Đặc biệt phần ở các khu vực đất ở, việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật rất khó khăn.

Một điểm nghẽn khác của các dự án là việc khó bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp. Tuy các dự án đã được xác định nguồn cung nhưng nhiều địa phương chậm triển khai thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành các thủ tục để khai thác trong tháng 7/2023 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

 Nhiều dự án cao tốc vùng ĐBSCL gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Vnexpress)

Nút thắt lớn nhất đối với các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án ODA nằm ở vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, tăng chi phí, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Trong khi đó, thể chế, pháp luật về vốn ODA, vốn vay ưu đãi chưa điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu thực tiễn. Ngoài các vướng mắc trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…các dự án ODA phải áp dụng đồng thời quy trình thủ tục trong nước và quy định của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Đơn cử, giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn đối ứng vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng. Song việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA khu vực này còn thấp. Hết tháng 6/2023, giải ngân vốn trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là 153,910 tỷ đồng, đạt 5,34% - thấp hơn nhiều so với con số 15,7% bình quân chung cả nước.

Quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% diện tích trong quý III/2023

Tại Hội nghị, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông đối với vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các bộ, ngành và các địa phương vùng đã triển khai các công việc về đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cơ bản đúng hướng, đạt những kết quả đáng hoan nghênh.

Song, do khối lượng công việc lớn và phức tạp nên không tránh khỏi những khó khăn và các ý kiến tại cuộc làm việc về cơ bản đã tìm được hướng giải quyết vướng mắc cho các dự án tại ĐBSCL.

Thủ tướng chỉ đạo hướng giải quyết vướng mắc cho các dự án tại ĐBSCL. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Trước hết, Thủ tướng chỉ đạo và phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.

Thứ hai, giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ GTVT và các tỉnh, thành là cơ quan chủ quản dự án, tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong triển khai các dự án, hoàn thiện các thủ tục quy định.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu bám sát thực tiễn, dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, chính quyền vào cuộc, tích cực đi kiểm tra thường xuyên, vừa xây dựng kế hoạch, vừa xây dựng chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giám sát, quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua cần sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư; các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca 4 kíp. Các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát…

Đối với các dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, đề nghị các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023, chậm nhất trước ngày 31/12/2023. Đặc biệt cần quan tâm đến việc tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có cuộc sống ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.

Không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Về một số dự án cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, với dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023; UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục giao mỏ nguyên vật liệu cho các nhà thầu khai thác, không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023 đối với dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Đình Tuyến/ Thanh Niên Online)

Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long sớm xác định nguồn cấp cho khối lượng cát còn lại của các dự án, trong đó ưu tiên cấp đủ nhu cầu năm 2023; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhà thầu dự án Cần Thơ - Cà Mau có thể khai thác các mỏ trong tháng 7/2023.

Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.

Còn các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, đảm bảo bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang sớm làm việc với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể các mỏ cấp cho dự án và hoàn thành thủ tục khai thác.

Với các dự án ODA, Thủ tướng đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ; đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.   

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top