Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt và 3 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng đạt gần 25.540 ha. Trong đó, chiếm nhiều diện tích nhất về trồng rau, hoa (hơn 23.260 ha), tiếp theo là cà phê (gần 1.510 ha); còn lại gồm các diện tích cây chè, cây đặc sản, cây dược liệu...
Ở 4 địa bàn này được phân bổ với 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực về thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể, trên địa bàn Đà Lạt đang phát triển 2 vùng hoa và 1 vùng rau sản xuất công nghệ cao. Đó là vùng sản xuất 255 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao canh tác các loại rau cải bắp, cải thảo, khoai tây, cà rốt... ở xã Xuân Thọ, trong đó có 125 ha diện tích nhà kính.
Tất cả diện tích trong nhà kính cũng như ngoài trời đều lắp đặt sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân cân đối. Mô hình sản xuất liên kết đã triển khai hiệu quả bước đầu ở 2 Hợp tác xã Phước Lộc và Xuân Lộc.
Ở vùng hoa công nghệ cao Phường 12 (Làng hoa Thái Phiên) được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vào tháng 8/2017, có 105 nông hộ sản xuất với tổng diện tích 150 ha. Sản phẩm chủ lực là hoa cúc (chiếm 96%), còn lại 4% sản phẩm các loại hoa cát tường, lily...
Và ngày 8/1/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định công nhận Làng hoa Vạn Thành đáp ứng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với gần 160 ha, chiếm 93% diện tích nhà kính. Cụ thể, gồm 60% diện tích hoa hồng, 30% diện tích hoa cẩm chướng, đồng tiền và 10% các loại hoa khác.
“Vùng sản xuất hoa công nghệ cao Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt hiện có 3 doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình du lịch canh nông là Công ty TNHH Vĩnh Tiến Đà Lạt, Rau Thủy Canh, Fresh Garden, hàng năm thường xuyên đón đông đảo lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, còn có 2 hợp tác xã và tổ hợp tác với 35 thành viên liên kết với Công ty Dalat Hasfarm, Quỳnh Phương... tiêu thụ đáng kể sản lượng hoa thu hoạch của nông hộ ở đây...”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm.
Ở huyện Đức Trọng, có 2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang xây dựng tại xã Hiệp An với 80 ha và xã Phú Hội gần 240 ha. Trong đó, đồng hành với nông dân Hiệp An chia sẻ kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ có 2 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn là Công ty TNHH Kim Phát và Công ty TNHH Ánh Dương. Đặc biệt, Công ty TNHH Phong Thúy đã và đang tổ chức liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị các loại sản phẩm cà chua, dưa leo, cải bắp, khoai lang...
Tương tự ở huyện Đơn Dương đang hình thành 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lạc Lâm (120 ha) và xã Lạc Xuân (gần 170 ha). Quy trình sản xuất các loại rau ở 2 xã này được nông dân thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà kính, nhà lưới, cơ giới hóa khâu làm đất, tưới phun mưa, nhỏ giọt; các doanh nghiệp Sao Cao Nguyên, Phong Thúy, Asuzac, Ngọc Yến Minh... vừa sản xuất vừa làm đầu mối thu mua, sơ chế và tiêu thụ...
Còn lại ở huyện Lạc Dương đang tiếp tục hoàn thành các tiêu chí công nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 107 ha khu vực xã Đạ Sar, trong đó có 35 ha nhà kính, 8 hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai các hình thức liên kết ổn định, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cây trồng các loại.
Trên nền tảng và diện mạo mới, Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng tiếp tục phấn đấu đạt gần 26.530 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đến cuối năm 2019, tăng thêm 990 ha so cùng kỳ. Giải pháp chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng gồm: thực hiện 10 mô hình trình diễn ứng dụng lưới che nắng, điều khiển nhiệt độ canh tác hoa, trồng rau thủy canh, tưới tự động cho cây cà phê; xây dựng 6 vườn ươm giống rau, hoa; 8 mô hình IoT sản xuất quy mô trang trại; 5 mô hình kho lạnh bảo quản rau, hoa...
Đồng thời hỗ trợ vốn cho nông hộ chuyển đổi sản xuất các giống hoa bản quyền ở Đà Lạt và Lạc Dương, sản xuất rau chất lượng VietGAP trên diện tích đất lúa 1 vụ ở Đơn Dương, Đức Trọng. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách tiếp tục trích chi thực hiện chương trình tái canh ghép cải tạo, trồng mới các giống cà phê vối, cà phê chè với tổng diện tích 1.026 ha trên 4 huyện, thành phía Bắc nêu trên của Lâm Đồng.