Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình thực hiện các 4 dự án thủy điện gửi tới Quốc hội, theo yêu cầu báo cáo các công trình, dự án quan trọng quốc gia. Một trong số đó là Thuỷ điện Thượng Kon Tum, do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) làm chủ đầu tư, đây cũng là dự án thủy điện duy nhất trong 4 dự án được nêu trong báo cáo vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Dự án được thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé (nhánh chính thượng nguồn sông Sê San) với quy mô công suất lắp máy 220 MW, được xác định là công trình kết cấu hạ tầng và công nghiệp quan trọng của tỉnh Kon Tum.
“Khổ” vì nhà thầu Trung Quốc
Để triển khai thực hiện Dự án, Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công: Gói thầu tuyến áp lực (gồm hạng mục đập dâng và đập tràn) tổ chức đấu thầu quốc tế theo hình thức EPC, Tổ hợp nhà thầu (Nhà thầu Việt Nam) gồm Công ty Cổ phần xây dựng 47, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tiến Dung - Kon Tum và PECC1 trúng thầu; gói thầu tuyến năng lượng và nhà máy tổ chức đấu thầu quốc tế theo hình thức EC, Tổ hợp nhà thầu (Nhà thầu Trung Quốc) gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18) trúng thầu; gói thầu thiết bị tổ chức đấu thầu quốc tế, Nhà thầu cung cấp là Andritz Hydro thuộc nước Cộng hòa Áo trúng thầu; các gói thầu nhỏ khác tiến hành đấu thầu rộng rãi trong nước.
Báo cáo cho thấy, trong quá trình thực hiện thi công Dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng và thái độ thiếu thiện chí hợp tác của nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã có Nghị quyết chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và ra Thông báo chấm dứt hợp đồng (số 861/CV-VHS-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2014).
Sau khi Công ty VSH chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc và thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, ngày 23.8.2014, nhà thầu Trung Quốc đã gửi Đơn kiện Công ty VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng. Công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm Hợp đồng. Công ty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và Đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm Hợp đồng.
Để chuẩn bị tranh tụng trong vụ kiện, Công ty VSH đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với các công ty Tư vấn luật của Việt Nam và quốc tế là: Công ty YKVN Singapore (chi nhánh tại Việt Nam) và Công ty EPLEGAL Việt Nam. Sau khi xem xét hồ sơ, các công ty này đã đề nghị và Công ty VSH đã ký bổ sung Công ty DREW & NAPIERLLC Singapore tham gia.
Tuy nhiên, đầu năm 2017, Công ty VSH đã chấm dứt hợp đồng với các Công ty YKVN Singapore, Công ty EPLEGAL Việt Nam và Công ty DREW & NAPIERLLC Singapore với lý do công tác tư vấn của các công ty này không đạt hiệu quả và còn yêu cầu Công ty VSH thanh toán thêm chi phí rất lớn.
Công ty VSH đã chọn Công ty tư vấn Luật Nam Hùng do GS.TS Nguyễn Vân Nam làm giám đốc để tư vấn tiếp cho vụ tranh chấp. Chính phủ cũng cho biết, việc xử lý vụ kiện về chấm dứt Hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của Dự án.
Hiện nay, Công ty VSH đang phối hợp với các đơn vị tư vấn luật tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ kiện để có đối sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của các cổ đông.
Dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2019
Song song với việc xử lý chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, Công ty VSH đã phối hợp với PECC1 rà soát, đánh giá lại khối lượng công việc cần thi công còn lại của tuyến năng lượng và nhà máy, phân chia thành 03 gói thầu và tiến hành các thủ tục lựa chọn 03 nhà thầu mới có năng lực cùng tham gia để tiếp tục triển khai thi công
Gói thầu số 1: Thi công cửa nhận nước và 5 km đoạn đầu đường hầm (đào mới từ lý trình km3 - km5, dài 1.890 m). Nhà thầu được lựa chọn là Công ty Cổ phần xây dựng 47. Tính đến ngày 25 tháng 9 năm 2018 đã đào hoàn thành 1.890 m/1.890 m dài hầm dẫn nước, đạt 100% tổng khối lượng.
Gói thầu số 2: Thi công đường hầm dẫn nước bằng thiết bị Tunnel Boring Machine (TBM) từ lý trình km5 đến km14+477 và gia cố đoạn hầm từ lý trình km15+477 đến km17+185. Nhà thầu được lựa chọn là Liên danh Robbins (nhà thầu USA) và Công ty Cổ phần xây dựng 47. Đến nay gói thầu số 2 cũng đã hoàn thành tới 95,2% tổng khối lượng
Gói thầu số 3: Thi công phần khối lượng còn lại của cụm nhà máy, bao gồm hầm áp lực, buồng điều áp khí nén, gian máy, gian biến áp chính, hầm thông gió chính và hầm dẫn cáp, trạm phân phối hở, kênh xả và hầm giao thông. Nhà thầu được lựa chọn là Công ty Cổ phần Sông Đà 10. Nhà thầu là Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đã bắt đầu triển khai thi công từ tháng 01.2016 và đang bám sát tiến độ được phê duyệt hiệu chỉnh.
Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, công tác thi công lại tuyến năng lượng và nhà máy đã được các nhà thầu mới triển khai thực hiện nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Công ty VSH đang tích cực đôn đốc và phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu để đáp ứng yêu cầu tiến độ phát điện của Dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Dự kiến, công trình sẽ được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019.