Đến với thành phố rực rỡ muôn sắc hoa tươi thắm và cùng chiêm ngưỡng Dinh thự Đà Lạt gắn liền với từng giai đoạn của lịch sử sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm bất ngờ cho chuyến tham quan đầy thú vị.
Dinh I Đà Lạt – King Palace
Dinh I Đà Lạt, hay còn gọi là Dinh Tổng thống nằm trên đường Trần Quang Diệu theo hướng Đông Nam cách trung tâm TP. Đà Lạt 4km. Theo đó, Dinh được nhà triệu phú Bourgery, chủ nhà đèn Thượng Hải xây cất từ những năm trước 1940.
Nhận thấy nơi này có cảnh đẹp và rất yên tĩnh, Vua Bảo Đại vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam đã quyết định mua lại và sửa sang dinh cơ này từ hồi tháng 8/1949. Sau đó, nơi đây trở thành nơi ở và làm việc của các nguyên thủ quốc gia tại Đà Lạt nên mới có tên là Dinh Tổng thống.
Với nét kiến trúc cổ kính mang phong cách tân cổ điển Châu Âu được bao bọc bởi rừng thông xanh bạt ngàn, thơ mộng; Dinh I đứng hiên ngang và sừng sững trên ngọn đồi cao 1.550m. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đẹp mắt, ấn tượng và không khỏi trầm trồ thán phục trước một công trình vĩ đại.
Hiện nay, Dinh I đã được trùng tu lại để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nơi lưu dấu ấn của vị vua Bảo Đại. Đây là một trong những dinh thự Đà Lạt cổ được lưu giữ lại cho đến ngày nay, để du khách có dịp chứng kiến sự tồn tại của lịch sử theo thời gian vẫn còn tiếp tục lưu giữ.
Dinh II Đà Lạt – dinh Toàn Quyền
Dinh II còn có tên gọi khác là “Dinh thự mùa hè” hoặc “Dinh Toàn Quyền” nằm ngay đường Trần Hưng Đạo, nơi có đồi thông luôn tỏa bóng mát với độ cao 1.540m. Dinh thự có tổng diện tích lên đến 26ha, trong đó diện tích cảnh quan chiếm 16ha còn lại 10ha khu dinh thự. Khi đến thăm quan Dinh II, du khách sẽ cảm thấy thích thú trước cảnh đẹp khi được phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn Hồ Xuân Hương thơ mộng.
Năm 1933, dinh thự đã được xây dựng theo lối kiến trúc của một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ với điểm tựa núi rừng, hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ. Tất cả có 25 phòng nghỉ được trang trí đẹp mắt, sang trọng là nơi nghỉ dưỡng của toàn quyền Decoux vào mỗi dịp hè hàng năm từ khoảng tháng 5 đến tháng 10. Để bảo vệ cho sự an toàn tuyệt đối của ông và gia đình trước tình hình rối ren của thế sự, Decoux đã bí mật xây dựng đường hầm bằng bê tông kiên cố, vững chắc với nhiều ngõ ngách.
Điểm nổi bật của Dinh II Đà Lạt chính là lối kiến trúc Châu Âu được thiết kế theo trường phái cổ điển khi những mái nhà đồ sộ có bố cục hình khối được xây dựng cân bằng nhưng không hề có sự đối xứng nhau, nhấn mạnh sự cách tân, bố cục theo trường phái tự do. Điểm nhấn nhá của Dinh thự khi sử dụng các vật liệu bằng đá lửa phủ lên mặt tường ở ngoài và các vật liệu bằng kim loại được lấy từ Pháp đảm bảo sự vững chắc, kiên cố. Hiện nay, Dinh II được sử dụng làm Nhà khách của văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng.
Dinh III Đà Lạt – dinh Bảo Đại
Dinh Bảo Đại hay Biệt điện của Vua Bảo Đại là chỉ tên gọi khác của Dinh III. Dinh được nằm trên ngọn đồi cao 1539m, với rừng thông bao bọc xung quanh. Du khách theo hướng Tây Nam sẽ thấy Dinh nằm ngay đường Triệu Việt Vương cách thành phố 2km. Đây là địa điểm du lịch Đà Lạt hấp dẫn du khách đến tham quan nhất.
Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn nét kiến trúc của dinh thự được xây dựng và bài trí theo phong cách trang nhã, lộng lẫy, nguy nga tráng lệ dành cho vua chúa. Xung quanh Dinh Bảo Đại là hàng loạt các công trình khuôn viên như rừng Ái Ân, vườn Thượng Uyển và hồ nước nhỏ trong khuôn viên càng làm tôn thêm nét lãng mạn, nên thơ gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Trong tất cả 3 dinh thự thì Dinh III là Dinh được bảo tồn nguyên vẹn nhất còn lưu lại nhiều dấu tích của Vua Bảo Đại cùng gia đình gồm Hoàng hậu Nam Phương và các công chúa, Hoàng tử đã từng sinh sống, làm việc. Phần nào khắc họa được bầu không khí ấm cúng, gần gũi mà trang nghiêm của một gia đình hoàng tộc.
Biệt điện Trần Lệ Xuân
“Đệ nhất biệt điện” hay “đệ nhất trời Nam” là những tên gọi khác của Biệt điện Trần Lệ Xuân. Nơi đây nổi tiếng bởi sự xa hoa, lộng lẫy. Ngôi biệt điện được xây dựng tại vị trí đắc địa nằm ngay triền đồi ở địa chỉ số 2 Yết Kiêu, TP. Đà Lạt.
Trong khuôn viên biệt điện Trần Lệ Xuân có khu vườn mang đậm phong cách Nhật với những thảm cỏ, bãi đá, những loại hoa lạ và đẹp của Đà Lạt. Hồ hoa sen tinh khiết cân đối một cách hoàn hảo với nhau cũng như hòa hợp một cách kỳ lạ với các biệt thự và rừng thông xung quanh. Sau vườn hoa có một hồ nước. Khi được bơm đầy, đáy hồ sẽ hiện lên hình bản đồ Việt Nam.
Đến đây vào ban ngày, từ vọng đài ngoài sân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ nét đẹp của khu biệt điện, cùng những con đường nhỏ uốn cong, những ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh của thông. Nếu đến vào ban đêm, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác đế vương, nhâm nhi bình trà nóng trong cái lạnh của Đà Lạt, trong cái đẹp sang trọng nhưng không kém phần lãng mạn của biệt điện, những đêm trời có trăng khung cảnh càng thơ mộng.
Hiện nay, biệt điện Trần Lệ Xuân đã trở thành Trung tâm lưu trữ Quốc Gia IV (Cụ văn thư và lưu trữ nhà nước) lưu giữ hơn 30.000 mộc bản triều Nguyễn. Đem đến cho ngành du lịch của Đà Lạt một hướng đi mới khi kết hợp giữa du lịch và văn hóa.
Khu Biệt thự Lê Lai
Thấp thoáng trong không gian trên sườn đồi, ánh nắng chiều đổ bóng thông ngàn càng tô điểm thêm vẻ đẹp cổ kính đến huyền hoặc của những căn biệt thự cổ nằm trên đường Lê Lai, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (nên còn gọi là khu biệt thự Lê Lai).
Khu biệt thự Lê Lai cũng có tên là Làng biệt thự Pháp, và từ xa xưa, nơi đây còn được người Đà Lạt gọi là Khu cư xá ngoạn mục hay trong tiếng Pháp là Cité Bellevue nằm cách trung tâm thành phố không xa, song khu biệt thự lại được sở hữu không gian tĩnh lặng riêng biệt. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm phố phường Đà Lạt phía trung tâm, hay cũng có thể nhìn qua thung lũng đầy hoa ngay ngoại ô Đà Lạt theo một hướng khác.
Trải qua gần 1 thế kỷ, khu biệt thự Lê Lai còn được coi là chứng nhân lịch sử của một Đà Lạt thuở sơ khai. Ngoài những nét kiến trúc cổ độc đáo, những vật dụng sinh hoạt còn lại trong các căn biệt thự gợi nhớ về cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu Pháp vào đầu thế kỷ 20 tại Đông Dương như: công tắc đèn, sàn lát gỗ, hệ thống cửa sổ được làm bằng gỗ quý, lò sưởi...
Sau những thăng trầm của lịch sử, vẫn còn đó những không gian mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp dù nhiều căn biệt thự có xuống cấp theo thời gian.
Tuy vậy, khi khu biệt thự Lê Lai được khôi phục, cải tạo và giữ gần như nguyên vẹn nét kiến trúc của từng vùng miền nước Pháp để trở thành khu nghỉ Ana Mandara Villas Dalat thì nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi du lịch Đà Lạt.
(Ảnh Internet)