Lịch sử đã chứng minh có những hiện tượng văn chương rất lạ, có người chỉ một bài thơ cũng bất tử, thậm chí chỉ hai câu cũng được nhớ mãi. Có người thì muốn ẩn mình đi, giấu mình thành... vô danh, nhưng rồi vẫn “bị” phát hiện và trả lại vị trí. Tôi biết rõ một người như thế, bởi công của người ấy quá lớn, nói như một nhà văn đàn anh, người ấy đã “sinh” ra cây Kơnia.
Tôi có tham gia một công trình nghiên cứu về văn học Gia Lai thời chống Mỹ, trong quá trình ấy, tôi phát hiện một điều rằng: Rất nhiều người làm thơ thời kỳ này là chính các chiến sĩ cầm súng, là các cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo, một số là người dân tộc Tây Nguyên như ông Nay Phin, nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, các ông Siu Ken, Rơ Chăm Bla, Mô lô Y Klavi tức Mô Lô Y Choi... Nhưng có một hiện tượng là có nhiều cái tên của những tác giả thơ xuất hiện trong chiến tranh, sau giải phóng đã không còn thấy nữa. Một số bài thơ thì bên cạnh một cái tên là người dân tộc như Siu Ken, Hơ Phít, Kha Vầy, Ksor Bleu... thường kèm thêm tên người sưu tầm và dịch là Ngọc Anh, Trúc Cương và Nhật Lai...
Từ hồi ấy tôi đã đồ chừng, và thiên về ý kiến này, đây chính là các bài thơ của Ngọc Anh, Trúc Cương và Nhật Lai sáng tác. Chuyện này đã xảy ra với một loạt các tác phẩm trong chiến tranh khi được sưu tầm và xuất bản đều ghi "Ngọc Anh sưu tầm và phỏng dịch", nhưng sau này các đồng đội của ông, những nhà văn và nhà nghiên cứu thế hệ sau, và lịch sử văn học cũng đã khẳng định, rằng đấy chính là thơ của Ngọc Anh mà bài "Bóng cây Kơnia" là một ví dụ tiêu biểu.
Bài thơ này được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, trở thành một biểu tượng của lòng dân Tây Nguyên đối với Tổ quốc trong hoàn cảnh Miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đang trong tình thế vô cùng khó khăn gian khổ. Nó là tiếng nói lạc quan tuyệt vời của những con người yêu nước, yêu dân tộc, và hết lòng với lý tưởng, đặt trọn niềm tin vào lý tưởng. Việc trả lại tên một loạt bài thơ cho nhà thơ Ngọc Anh cũng chỉ được thực hiện gần nửa thế kỷ sau khi nhà thơ qua đời.
Tôi là người chấp bút cho ông Ksor Krơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, kể về những ngày cuối cùng của Ngọc Anh ở chiến khu Kon Tum để in trong một cuốn sách mỏng do nhà văn Thanh Quế chủ biên viết về Ngọc Anh, xuất bản cách đây hơn chục năm. Tôi cho rằng khi vào chiến trường, những người như Ngọc Anh trước hết xác định mình là chiến sĩ, nên họ coi việc làm thơ để tuyên truyền cũng giống như việc anh chiến sĩ cầm súng đánh địch hay một việc gì đó phục vụ kháng chiến, nên ông không ghi mình là người sáng tác. Đấy là thời kỳ cái "tôi" hòa tan trong cái "ta" rộng lớn bi tráng của dân tộc. Chưa ai nghĩ đến bản quyền, đến quyền lợi cá nhân, đến sự nổi tiếng... Thêm nữa, có thể cái sự tự ti đã khiến ông chỉ đề ở dưới "Ngọc Anh sưu tầm và dịch"...
Việc dùng cây Kơnia làm hình tượng văn học cho bài thơ cũng là một phát hiện rất đắt của Ngọc Anh. Chúng ta đến bây giờ không nhiều người tường tận về Kơnia đâu. Đấy là một loại cây rất ngạo nghễ, chỉ đứng một mình, cô đơn, tán hình trứng, rễ cọc rất dài, và hạt ăn được. Trong chiến tranh nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã dùng hạt Kơnia thay lương thực. Họ để hạt Kơnia trong gùi và đi, bao giờ mệt thì ngồi nghỉ và lấy hạt Kơnia ra đập ăn, một vài hạt văng ra, và mọc thành cây. Vì thế, khi đi bộ, cứ khi nào mệt và đói, ta lại gặp một cây Kơnia hiện ra, rợp bóng mát như một đặc ân của trời thả xuống ban cho con người. Cái sự hy sinh của Ngọc Anh cũng đầy đau đớn và hy hữu. Ông bị bỏng đèn măng sông trong một chiều cao nguyên khi đang bơm đèn chuẩn bị cho đêm biểu diễn phục vụ bộ đội và bà con dân làng. Nếu như bây giờ thì có thể cứu chữa được, nhưng hồi ấy người ta đành nhìn ông mất trong đau đớn. Ông Ksor Krơn khi ấy là y sỹ trực tiếp cứu chữa cho Ngọc Anh và đã phải ứa nước mắt chứng kiến nhà thơ trút hơi thở cuối cùng trong sự bất lực của phương tiện và cả trình độ y khoa chiến tranh hồi bấy giờ.
Bây giờ thì nhà thơ đã được đưa về quê nhà yên nghỉ sau mấy chục năm nằm lại ở đất Tây Nguyên, mảnh đất mà ông đã dành toàn bộ sức lực, tài năng và tuổi trẻ cho nó. Và cái cuộc tìm ra mộ của ông cũng hết sức ly kỳ, cũng là một bí ẩn chưa lý giải được, là sự nỗ lực hết sức của gia đình ông, đồng đội, nhân dân và cả điều gì đấy như sự can thiệp của một cõi thiêng nào đấy, để ông trở về với mảnh đất mình sinh ra, và gửi lại ở mảnh đất mình dâng hiến tuổi trẻ một loài cây bất tử bằng bài thơ bất tử.
Cây Kơnia mà ông “sinh” ra ấy, nó cũng đã lùi rất sâu vào rừng, rất hiếm nếu muốn tham quan. Rất nhiều bạn bè tôi khi lên Tây Nguyên đã “đề đạt nguyện vọng” là được xem cây Kơnia. Xâu chuỗi hai cái tên này, ta lại chả có được một tour du lịch thú vị ư, là xem cây Kơnia, giới thiệu về nó, và giới thiệu người đã “sinh” ra nó. Sở dĩ nói nhà thơ Ngọc Anh “sinh” ra cây Kơnia là bởi, nó là một loại cây cũng có ở đồng bằng, có nhiều nơi, với tên thông dụng là cây Cầy, cây Cậy, có thể dùng nhựa để phết quạt giấy, loại quạt phổ biến thời chưa có điện. Nhưng để từ một loài cây vô danh, trở thành một biểu tượng của Tây Nguyên, công của Ngọc Anh rất lớn, không có nhà thơ, Kơnia không lan tỏa như bây giờ. Cũng như Xà nu, như Dã quỳ... những thực thể đã được thăng hoa trong văn chương, trong chữ, để nó trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, dù nó có ở khắp nơi. Sức hút của văn chương, bí ẩn của chữ, năng lượng sáng tạo của nhà thơ, nhà văn đã biến những điều vô danh, phổ quát, bình thường... thành tên tuổi, thành đặc biệt, độc đáo và cả phi thường.
Rất nhiều người lên Tây Nguyên muốn được xem, ngắm, tìm hiểu những điều phổ quát nhưng độc đáo ấy. Vấn đề là ta có đáp ứng được không?... Rất khó, bởi bây giờ, ngay người thuộc Tây Nguyên như tôi, bảo tìm ra một cây Kơnia để chụp cái ảnh in kèm bài này cũng sẽ... lắc đầu ngao ngán.
Nhưng, hình tượng cây Kơnia thì sống mãi, ít nhất là trong bài hát mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh. May là, chúng ta còn có văn học nghệ thuật để lưu giữ ký ức. Và không chỉ ký ức, nó là lịch sử, là văn hóa, và là đời sống của chúng ta...