Với một bản quy hoạch thể hiện khá chi tiết, công phu, không thể nói là không có sự chuẩn bị, nghiên cứu. Nhưng vấn đề ở đây là gì: Quan điểm, nhận thức, vì lợi ích nhóm hay vì tổng hợp nhiều nguyên nhân.
Khoan hãy bàn về lý do, lúc này cần những người ra quyết định phải tỉnh táo, không thể đánh đổi phát triển kinh tế trước mắt bằng bất cứ giá nào. Không thể vội vàng khi quyết định một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và kinh tế địa phương.
Cần phải quay lại xem xét từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó sẽ có bản quy hoạch thông minh hơn, phù hợp hơn với Đà Lạt, thỏa mãn được yêu cầu của cả chính quyền, người dân và khách du lịch.
Giá trị cốt lõi của Đà Lạt
Vẻ đẹp của Đà Lạt là sự kết hợp của hai yếu tố.
Thứ nhất, vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên, kiến trúc ẩn mình trong thiên nhiên. Đường đồng mức là cơ sở cho các thiết kế quy hoạch cảnh quan và đô thị. Kiến trúc đi theo việc xử lý địa hình.
Các không gian trong bản quy hoạch đầu tiên của người Pháp đã rất tôn trọng địa hình, các khu nhà thấp tầng “Nhà xây không cao quá ngọn thông”, những con đường thoáng đãng để có thể nhìn rõ địa hình… Các cây trồng đều thưa thoáng, tán nhiều nhưng vẫn giải phóng tầm mắt người đi bộ.
Thứ hai, vẻ đẹp giao thoa giữa văn hóa Phương Tây và Việt Nam. Văn hóa Pháp trở thành yếu tố khơi gợi văn hóa bản địa. Hệ thống công trình dinh thự rất đặc biệt do người Pháp để lại. Kiến trúc Pháp tại Đà Lạt ngoài điểm đặc biệt là duyên dáng vì nương theo địa hình, sự giản dị vì tôn trọng địa hình, nó còn đặc biệt bởi ta thấy được sự pha trộn giữa những tỷ lệ, ngôn ngữ tuyệt đẹp thừa hưởng từ Châu Âu kết hợp với kiến trúc truyền thống Việt và cả chi tiết kiến trúc người Thượng, một di sản đáng quý và thuần bản địa.
Tiêu chí và giải pháp
Có ba tiêu chí cơ bản mà phát triển Đà Lạt nói chung và khu Hòa Bình nói riêng cần thỏa mãn cả ba tiêu chí này.
Thứ nhất, giữ gìn, phát huy giá trị di sản.
Cần hiểu di sản của Đà Lạt chính là những giá trị đã có từ hàng trăm năm nay ở Đà Lạt bao gồm: Cảnh quan đồi núi cây xanh, mặt nước và khí hậu trong lành; Các trung tâm phân vùng theo kiến trúc rất đặc trưng: Khu biệt thự Pháp, khu lõi các công trình công cộng nhỏ và các nhà phố theo kiến trúc Việt (khu Hòa Bình); Di sản của Đà Lạt còn ở văn hóa, lối sống chậm rãi của người Đà Lạt.
Vì vậy, quy hoạch phải nhất quán bám theo tiêu chí “đô thị rừng”: Hình ảnh rừng trong thành phố, thành phố trong rừng là một hướng đi rất phù hợp với Đà Lạt. Giữ bình yên trong lõi, giữ tốc độ di chuyển chậm, trung tâm chỉ là khu đi bộ.
Cần có giải pháp giữ Dinh tỉnh trưởng trong bối cảnh quần thể kiến trúc chung, không thể tách Dinh ra khỏi đồi Dinh được. Không xây cao lên đỉnh đồi Dinh và tuyệt đối không dùng kiến trúc xa lạ, hiện đại áp đặt cho khu Hòa Bình.
Các tiện ích khác phải rời khỏi trung tâm. Trả lại không gian lịch sử cho khu Hòa Bình. Tìm hướng bảo tồn các biệt thự và thổi cho nó một chức năng mới để đảm bảo nó có thể “mạnh khỏe” trong bối cảnh đương đại.
Thứ hai, đảm bảo nhu cầu mới, chức năng mới cho người dân.
Phát triển theo hướng áp các trung tâm thương mại (TTTM) sẽ làm cho khu chợ buôn bán nhỏ, các tiểu thương hiện nay sẽ bị mất khách. TTTM cần cho dân Đà Lạt nhưng khách du lịch không đến Đà Lạt để mua sắm trong các tòa nhà TTTM mà họ sẽ lang thang đi bộ, mua sắm ngoài trời, đây là điểm thu hút đặc biệt giống như Sapa.
Vậy những chức năng mới phải không làm cản trở hai giá trị còn lại là di sản và du lịch vì chính hai giá trị đó mới là nguồn nuôi Đà Lạt. Muốn vậy thì các TTTM, các tòa nhà hiện đại cần được đẩy ra khỏi trung tâm văn hóa lịch sử, cụ thể là ra khỏi khu Hòa Bình và cũng xây không quá cao tầng, tận dụng phần ngầm dưới lòng đất để giữ cảnh quan chung
Thứ ba, đảm bảo phát triển du lịch.
Du lịch mang lại kinh tế và nuôi sống thành phố. Ngoài khí hậu mát mẻ, Đà Lạt còn thu hút du lịch bởi các di sản, các yếu tố bản sắc: vẻ đẹp tự nhiên, không phô trương hoa mỹ. Kiến trúc Đà Lạt mộc mạc kể cả các dinh thự, biệt thự Pháp. Đà Lạt có các khu buôn bán nhỏ lẻ chứ không thu hút bởi TTTM. Khi giữ gìn những giá trị đó, Đà Lạt còn hấp dẫn du lịch. Vậy để phát triển du lịch rất cần có tư duy tổng thể, không thể chỉ nhăm nhăm “cấy” vào các tiện ích phục vụ du lịch mà bỏ quên việc giữ gìn sự hấp dẫn này.
Một số sai lầm trong bản đề xuất quy hoạch chi tiết 1/500 lần này
Nguyên nhân có thể từ quan điểm quy hoạch quá thiên về kinh tế, không nhìn rộng ra mọi khía cạnh văn hóa, lịch sử nên bản quy hoạch có phần khiên cưỡng, duy ý chí. Những sai lầm có thể xảy ra nếu chúng ta vội vã theo bản quy hoạch này, có thể chỉ ra đây một vài nguy cơ.
Quy hoạch phá vỡ cảnh quan: Các giá trị Đà Lạt “Rừng trong thành phố, nhà ẩn trong rừng không còn nữa. Khu đồi Dinh tỉnh trưởng bị đè lên khối 7 tầng chiếm chỗ quá lớn và làm mất đường chân trời vốn bình yên cúa khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt.
Tạo ra đô thị nén cho phố núi: Bản quy hoạch mới tạo sức ép cho khu Hòa Bình hiện đang quá tải. Các chức năng mới khiến cho Đà Lạt sẽ bị nén như Sài Gòn, điều này sẽ làm mất hồn cốt của đô thị Đà Lạt.
Kiến trúc mới phá vỡ giá trị gốc của đô thị, làm mất bản sắc đô thị: Các kiến trúc mới quá xa lạ và na ná ở bất cứ nơi nào trên thế giới nhưng lại được “nhồi nhét” vào lõi đô thị cổ với một tỷ lệ quá lấn át.
Giải pháp nào cho khu Hòa Bình
Về quy hoạch chung, nên học kinh nghiệm của Paris khi quy hoạch khu La Defence (khu thành phố mới) để giảm tải và giữ sạch hoàn toàn cho khu Paris cổ kính. Nhờ quan điểm quy hoạch này mà Paris có hai khu thu hút như nhau vì cả hai đều có nét đặc sắc, người Paris gọi đây là “Di sản cũ” và “Di sản mới”.
Theo cách này, Đà Lạt có thể tạo ra được 1 hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt.
Về kiến trúc: Muốn bảo tồn di sản kiến trúc trước hết phải rất hiểu giá trị của nó trong giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố. Chọn cách ứng xử với di sản sẽ thể hiện văn hóa, năng lực chuyên môn và sự nhạy bén. Không thể vì mối lợi kinh tế trước mắt mà đánh mất giá trị bền vững của đô thị.
Hãy thử phép so sánh giữa một di sản tại Amsterdam và một di sản tại Đà Lạt để hiểu về quan điểm ứng xử với di sản khác nhau sẽ đưa ra những kết quả rất khác nhau
Trường hợp tại Amsterdam: Cách ứng xử theo lối đề cao di sản, thổi hồn cho nó để một công trình không mấy giá trị về kiến trúc cũng được sống dậy trong các hoạt động đương đại, giải pháp này đã tạo điều kiện cho khu vực lận cận cũng trở nên có giá trị hơn.
Sẽ chẳng tốn kém gì nhiều để chỉnh trang một khu nhà cũ kỹ, trong khi những giá trị nó mang lại thì vô cùng lớn.
Trường hợp tại Đà Lạt: Ứng xử theo lối thiếu sự quan tâm, bỏ quên để nó xuống cấp, sau đó lấy lý do “công trình cũ nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị” để phá hủy và thay thế bằng một kiến trúc xa lạ, thiếu bản sắc, thiếu đặc thù. Chưa kể đến việc gán ghép cho nó một chức năng không phù hợp. Rạp Hòa Bình và đồi Dinh tỉnh trưởng đều cần được thận trọng xem xét.
Ở đây ta chưa thể bàn đến chuyện đẹp hay xấu, khi nó không phù hợp thì sẽ không còn giá trị, thậm chí còn tai hại.
Thiếu phân tích và đưa ra giải pháp vội vàng cho đô thị Đà Lạt sẽ có thể dẫn đến một sai lầm không thể sửa chưa được. Vì vậy các nhà ra quyết định hãy bình tĩnh và có trách nhiệm hơn ngay tại thời điểm này!
Thành quả nào cũng phải đánh đổi bằng sự hy sinh, nhưng sự hy sinh này của Đà Lạt sẽ là tổn thất lớn, là sự mất mát không chỉ với Đà Lạt mà với tất cả chúng ta - đó là một đô thị không còn sức hấp dẫn.