Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kon Tum đến năm 2035.
Cụ thể, ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kon Tum bao gồm toàn tỉnh Kon Tum trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 01 thành phố (Kon Tum); 09 huyện (Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông) với tổng số 102 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên là 9.674,18km2, mật độ dân số trung bình là 51 người/km2.
Về định hướng không gian, vùng tỉnh sẽ hình thành các khu trọng điểm về du lịch, công nghiệp, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên, tài nguyên của vùng; các phân vùng không gian nông lâm nghiệp, đô thị và nông thôn gắn công nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng thành phố Kon Tum trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng về các lĩnh vực: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, động lực chính phát triển toàn tỉnh; là đầu mối giao thông vùng, có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh quan trọng của tỉnh, vùng Bắc Tây Nguyên và miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi); trở thành đô thị loại II vào thời điểm thích hợp và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu chung của quy hoạch vùng tỉnh Kon Tum là cụ thể hóa các quy hoạch chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và phát triển vùng tỉnh Kon Tum đến năm 2035 trở thành vùng kinh tế động lực trong vùng Tây Nguyên với không gian đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù, khu sản xuất nông nghiệp hài hòa với không gian cảnh quan đặc trưng của vùng tỉnh Kon Tum.
Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao, chất lượng hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, xây dựng Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.
Với những mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu mối quan hệ vùng, xác định vai trò và vị thế của tỉnh Kon Tum trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, trên tuyến hành lang kinh tế quốc tế Đông Tây, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên. Xác định tác động của các yếu tố hạt nhân của vùng tỉnh Kon Tum như: Khu cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu công nghiệp tập trung,..., các yếu tố di sản văn hóa; các đầu mối giao thông quốc gia. Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng và nguồn lực phát triển vùng; xây dựng tầm nhìn phát triển vùng tỉnh; định hướng phát triển không gian vùng tỉnh.